Để được xếp vào nhóm người siêu giàu, mỗi cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên, tương đương từ hơn 704 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại, bao gồm cả bất động sản mà cá nhân đang cư trú. Theo bản Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank, số lượng người siêu giàu (UHNWI) tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022.
Cụ thể, từ 583 người siêu giàu năm 2017, số lượng người siêu giàu Việt Nam đã tăng lên 1.059 người năm ngoái, tương đương tăng 82%, tỷ lệ tăng thêm mỗi năm là 16,4%. Knight Frank dự báo đến năm 2027, con số này sẽ gần chạm mốc 1.300, thêm 22% so với hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong 10 năm.
Việt Nam đang có 6 tỷ phú USD theo bảng xếp hạng của Forbes
Cũng theo báo cáo, lượng người giàu (HNWI) là những cá nhân có tài sản từ một triệu USD trở lên, bao gồm bất động sản đang cư trú của Việt Nam cũng tăng 70% trong 5 năm qua, từ 40.971 người vào 2017 lên gần 70.000 người vào năm ngoái. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú USD, sau Singapore, Thái Lan và Indonesia. Báo cáo cho rằng Việt Nam sẽ có hơn 112.200 người giàu vào 2027, tương đương mức tăng trưởng 173% trong một thập niên.
Knight Frank lý giải nhóm dân số giàu và siêu giàu tại Việt Nam tăng nhanh cũng nằm trong xu hướng thịnh vượng trên toàn châu Á. Theo đó, Singapore, Malaysia và Indonesia dẫn đầu các nơi có dân số siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất khoảng 7-9%.
Trước đó, báo cáo mới nhất của công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners cũng cho thấy, TPHCM hiện có 7.700 người sở hữu tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên, trong đó 15 người có 100 triệu USD và 3 tỷ phú USD.
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 do Forbes vừa công bố hồi tháng 4, Việt Nam có 6 tỷ phú USD trong danh sách người giàu nhất thế giới, giảm 1 người so với năm 2022. Các tỷ phú USD gồm: Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco Group) Trần Bá Dương.
Trong số những tỷ phú USD Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vị trí dẫn đầu khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỷ USD, đồng thời cũng là người giàu thứ 586 trên thế giới. Dù vậy, tài sản của ông Vượng đã giảm mạnh so với ước tính của Forbes vào đầu năm 2022 với 6,2 tỷ USD.
Theo báo cáo của Knight Frank, tại châu Á - Thái Bình Dương, lượng người siêu giàu đã tăng ngoạn mục gần 51% trong vòng 5 năm tính đến 2022. Mặc dù có dự đoán rằng mức tăng trưởng này sẽ giảm còn 40% trong 5 năm tới, đây vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng lượng người giàu.
Tính đến 2022, thế giới có hơn 579.600 người siêu giàu và gần 70 triệu người giàu theo tính toán của Knight Frank. Mỹ có số lượng người siêu giàu và giàu nhiều nhất, lần lượt là 253.354 và hơn 25 triệu. Số người siêu giàu của Mỹ nhiều hơn toàn bộ châu Âu với 155.996 người. Trong khi, top 5 quốc gia tăng trưởng dân số siêu giàu nhanh nhất năm qua lần lượt là UAE, Tanzania, Brazil, Nigeria, Arab Saudi.
Knight Frank xác định số lượng cá nhân siêu giàu tại các quốc gia dựa trên "Mô hình định giá tài sản" (Wealth Sizing Model) do công ty xây dựng và phát triển trong nửa thập kỷ qua. Phương pháp này kết hợp kho tài nguyên dữ liệu do công ty thu thập và với công nghệ học máy, được cấu trúc để tính đến các yếu tố chi phối như hoàn cảnh địa chính trị có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế cơ bản.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/doanh-nhan/bat-ngo-voi-so-nguoi-sieu-giau-co-tai-san-tren-700-ty-dong-tai-viet-nam-c606a1471501.html