Mới đây, Tập đoàn KIDO đã thông tin về kế hoạch thâu tóm Thọ Phát của mình.
Ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết: “ Việc đầu tư để nắm quyền chi phối Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát là một trong những chiến lược quan trọng của KIDO trong việc tiếp tục mở rộng danh mục thực phẩm và trở thành một trong những Tập đoàn thực phẩm thiết yếu hàng đầu tại Việt Nam.
Qua thời gian thảo luận, chúng tôi đã đi đến cam kết chung là KIDO sẽ đầu tư và mua 25% cổ phần từ Công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát trong giai đoạn 1. Kế tiếp, trong giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tăng tỷ lệ đầu tư lên từ 51% đến 70%.
Thông qua hoạt động đầu tư và M&A này, chúng tôi đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của Tập đoàn KIDO, dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng năm 2023, đây là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của Tập đoàn trong năm nay ”.
Vậy tại sao KIDO nhắm đến Thọ Phát chứ không phải một công thực phẩm khác? Và vì sao Thọ Phát lại chấp nhận bán mình?
THỌ PHÁT – THƯƠNG HIỆU BÁNH BAO SỐ 1 VIỆT NAM
Bánh bao – món ăn kinh điển của ẩm thực Trung Hoa du nhập vào Việt Nam và trở nên phổ biến khắp miền Nam khi lượng dân di cư từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều. Sau đó, bánh bao dần trở thành một trong những lựa chọn phổ biến của người dân thành thị miền Nam, có vị trí quan trọng tương đương bánh mì, hủ tiếu…
Có rất nhiều thương hiệu bánh bao nổi tiếng ở TP.HCM và khu vực lân cận, như bánh bao Cả Cần hay bánh bao Huỳnh Tịnh Của, tuy nhiên, chỉ duy nhất bánh bao Thọ Phát là có thể bật lên, tạo nên hẳn 1 đế chế bánh bao chứ không chỉ là một hộ kinh doanh gia đình đơn thuần như hầu hết thương hiệu trong ngành này.
Gia đình ông Vũ Phước Thọ trong những ngày đầu lập nghiệp. Ảnh: website Thọ Phát
Ông Vũ Phước Thọ. Ảnh: Thanh Hoài
Theo lời giới thiệu về lịch sử hình thành thương hiệu Thọ Phát Food (Công ty TNHH MTV CBTP Thọ Phát), từ năm 1987 doanh nhân Vũ Phước Thọ (sinh năm 1962) mở lò Bánh bao Ông Thọ. Khởi sự, lò Bánh bao Ông Thọ có 6 nhân công và tập trung vào thị trường bỏ mối nhờ chiếc xe máy cũ kỹ.
Năm 1995, Thọ Phát gây được được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng khi sáng tạo ra loại bánh bao mới có nhân trứng muối. Để tận dụng tốt danh tiếng vừa gầy dựng được, ông chủ Phước Thọ đã mở cửa hàng để trực tiếp bán hàng, thay vì chỉ đi bỏ mối như trước đây. Tuy nhiên, bước ngoặc tạo nên quy mô lớn của Thọ Phát như ngày hôm nay, đến từ quyết định cho đối tác mượn tủ hấp bánh miễn phí vào năm 2000.
Các tủ hấp được Thọ Phát đầu tư cho các đối tác của mình.
Bánh bao thường là thức ăn sáng và ăn bữa lỡ của người dân lao động TP.HCM nên không phải đối tác nào của Thọ Phát cũng đủ tài chính để đầu tư 1 tủ hấp hoặc sợ không bán được hàng thì bị lỗ tiền đầu tư tủ. Tức là, thay vì chỉ bán bánh bao cho đối tác, Thọ Phát còn đầu tư cho các đối tác của mình một tủ hấp.
Động thái này gây thiện cảm lớn cho các đối tác khi Thọ Phát đã nhận rủi ro về mình, đồng thời khiến thương hiệu Thọ Phát có thể len lỏi vào sâu các khu dân cư. Ngày nay, chiến lược marketing này đã trở nên phổ biến, như các hãng bán nước suối đóng bình cho các công mượn cả máy nóng lạnh; nhưng nếu soi vào mốc thời gian và ngành nghề - quy mô của Thọ Phát năm 2000, thì chiến lược ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô’ nói trên là một cuộc cách mạng.
Năm 2002, Thọ Phát tiên phong đổi mới công nghệ sản xuất bánh bao từ bột khai sang bột nổi giúp cải tiến hương vị bánh bao thơm ngon hơn không còn mùi khai đặc trưng như các sản phẩm trước. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng bắt đầu chú trọng đầu tư hơn về máy móc, thiết bị và vệ sinh an toàn thực phẩm: bàn gỗ thay bằng bàn inox, máy trộn, lò hấp lớn hiện đại hơn. Thọ Phát chính thức đặt 1 chân vào con đường sản xuất thực phẩm công nghiệp.
Năm 2008, sau 8 năm không ngừng cải tiến – đổi mới về mọi mặt, Thọ Phát có 1.000 điểm bán lẻ tại TP.HCM, vươn mình trở thành doanh nghiệp sản xuất bánh bao số 1 miền Nam. Từ năm 2011-2013, Thành lập công ty TNHH Một Thành viên Chế biến Thực phẩm Thọ Phát, đa dạng hoá nhiều dòng sản phẩm đông lạnh, hoàn thiện hệ thống phân phối từ Nam ra Bắc.
Các dòng sản phẩm của Thọ Phát
Từ 2016-2017, Thọ Phát cho ra đời Bánh Bao Hoàng Kim, nhanh chóng tạo tiếng vang lớn bởi lớp nhân đặc biệt, mở ra trào lưu nhân tan chảy cho các dòng sản phẩm bánh bao lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, họ tự động hóa hoàn toàn nhiều trang thiết bị: máy làm Bánh Bao, Há Cảo, Xíu Mại, Bánh Giò; đặc biệt là dàn máy lột trứng cút với công nghệ hiện đại.
Năm 2020, nhà máy Chế biến Thực phẩm Thọ Phát chính thức đi vào hoạt động với diện tích hơn 22.000m2, được trang bị công nghệ hiện đại với rất nhiều thiết bị sản xuất tự động, được kiểm soát chặt chẽ theo chương trình quản lý chất lượng sản phẩm HACCPISO 22000 và ISO 450001, đạt công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm. Theo tiết lộ từ doanh nghiệp này, thì số tiền đầu tư nhà máy khoản 100 tỷ đồng.
Hiện Thọ Phát có khoảng 1.000 nhân công, 500 xe tải đông lạnh và phòng R&D được đầu tư bài bản để có thể tiếp tục sáng tạo sản phẩm mới dẫn dắt thị trường bánh bao nói chung và các loại bánh phổ biến biến khác nói riêng. Hiện tại, danh mục sản phẩm của Thọ Phát có khoảng 30 loại bánh, trong đó riêng bánh bao có gần 20 loại. 2 sản phẩm mới nhất của Thọ Phát chính là bánh bao nhân Đậu đỏ hạt sen và nhân Bò pizza phô mai rất độc đáo.
Nhờ chính sách kinh doanh sáng tạo và tiềm lực hùng mạnh, sản phẩm bánh tươi lẫn đông lạnh của Thọ Phát đã trở thành sự lựa chọn của tất cả các chuỗi siêu thị mini/lớn - cửa hàng tiện lợi trên thị trường như WinMart, Circle K, Family Mart, Bách Hóa Xanh…Theo đó, cộng thêm các điểm bán lẻ nhận quyền Thọ Phát (Mini Bao với 28 cửa hàng tại TP.HCM), hàng quán truyền thống; thì Thọ Phát có khoảng 4000 điểm bán lẻ khắp cả nước.
Mới đây, trên trang tuyển dụng của Thọ Phát có thông báo đăng tuyển nhân sự cho 2 thương hiệu nhà hàng là Baoz Dimsum (2 cơ sở) và Baoz Hotpot đều theo phong cách ẩm thực HongKong. Người đại diện pháp luật và Giám đốc của 2 thương hiệu nói trên tên là Vũ Lê Hoàng Trúc – sinh 1986.
Baoz Dimsum vừa khai trương nhà hàng thứ 2 của mình trong năm 2022.
Chia sẻ về bí quyết làm nên tên tuổi của Thọ Phát suốt 30 năm qua, ông Vũ Phước Thọ bày tỏ: " Kinh doanh thực phẩm là một ngành khá nhạy cảm vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, do đó, để có được thành công như bây giờ, Thọ Phát đã phải tìm cho mình một hướng đi riêng. Bên cạnh sự đa dạng về chủng loại thì chất lượng, hương vị của sản phẩm luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu ”.
VÌ SAO THỌ PHÁT CHẤP NHẬN VỀ VỚI KIDO?
Là thương hiệu bánh bao số 1 Việt Nam, vì sao Thọ Phát chấp nhận về dưới trướng của KIDO?
Đầu tiên, có lẽ vì mục tiêu của cả 2 doanh nghiệp giống nhau. Trên website Thọ Phát, thì mục tiêu của họ là “Chinh phục giấc mơ ẩm thực Việt ra thế giới”. Còn với KIDO, M&A vẫn là con đường tốt nhất với họ, sau câu chuyện Chuk Coffee & Tea.
Tập đoàn KIDO có thế mạnh về quản trị, phát triển thương hiệu, logistics, cùng hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh trên toàn quốc…. Với thế mạnh được cộng hưởng từ Tập đoàn sẽ giúp Thọ Phát nhanh chóng đưa sản phẩm mở rộng ra thị trường miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới.
Bản thân Thọ Phát gần như đã phủ tất cả kênh tiêu dùng hiện đại (MT) và truyền thống (GT) tại thị trường miền Nam - đặc biệt là ở TP.HCM.
Thứ hai, theo dữ liệu của Kinhtechungkhoan.vn, doanh nghiệp này làm ăn tương đối khấm khá, mỗi năm thu về hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2017-2021, doanh thu thuần bán hàng của Công ty Thọ Phát đạt lần lượt 220 tỷ đồng, 269 tỷ đồng, 355 tỷ đồng, 424 tỷ đồng và 391 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khả năng sinh lợi không phải là ưu điểm, thế mạnh của Công ty Thọ Phát. Trái ngược với doanh thu "khủng", lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp khá "bèo bọt", chỉ trên dưới vài trăm triệu đồng mỗi năm. Cá biệt, năm 2018 doanh nghiệp báo lỗ trên 6,5 tỷ đồng và đến thời điểm cuối 2021 vẫn chưa thể bù lỗ lũy kế (âm gần 6 tỷ đồng). Rõ ràng, quy mô và vị thế của Thọ Phát tỷ lệ nghịch với hiệu quả kinh tế.
Khoản lỗ này cũng là nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu của Công ty Thọ Phát mất đến quá nửa. Trong khi vốn điều lệ (vốn góp của chủ sở hữu) là 9 tỷ đồng, song vốn chủ sở hữu chỉ còn vẻn vẹn 3 tỷ đồng, tính đến ngày lập báo cáo tài chính năm 2021.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có truyền thống dùng đòn bẩy mạnh tay, nợ phải trả lên đến gần 700 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, nợ của Công ty Thọ Phát đều là nợ vay, nghĩa là nợ mất lãi. Thời điểm 31/12/2021, doanh nghiệp ghi nhận nợ vay dài hạn hơn 654 tỷ đồng, khoảng cách quá lớn so với vốn chủ sở hữu là 3 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, phần lớn tài sản đang nằm trong tay các chủ nợ.
Phải chăng bức tranh tài chính không mấy sáng sủa kéo dài trong nhiều năm đã khiến Thọ Phát quyết định ‘bán mình’ cho KIDO?
Theo cafef.vn-21/4/2023
Link nguon: https://cafef.vn/chan-dung-tho-phat-de-che-banh-bao-so-1-viet-nam-vua-duoc-kido-thau-tom-va-chien-luoc-bo-si-banh-bao-cho-dai-ly-muon-luon-tu-hap-188230421103554608.chn