Ngày 26-4, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề "Phát triển du lịch xanh và bền vững".
Du khách ưa thích sản phẩm du lịch xanh
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh - cục trưởng Cục Du lịch quốc gia - nhận định du lịch xanh đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng, đặc biệt là đối với các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương.
Theo nghiên cứu của Tripadvisor, có 34% du khách sẵn lòng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và 50% du khách quốc tế sẵn lòng chi trả thêm cho các công ty du lịch có lợi ích cho cộng đồng và hoạt động bảo tồn.
-
Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Bền vững bắt đầu từ cộng đồng
Điều này là minh chứng cho việc du lịch xanh không chỉ đảm bảo phát triển bền vững, mà còn tạo điều kiện cho sự gia tăng của du khách có mức chi tiêu cao và có ý thức văn minh khi du lịch.
Theo ông Khánh, từ định hướng đến hành động trong thực tiễn mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức, đặc biệt là duy trì tốc độ tăng trưởng và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
"Đây là quá trình lâu dài cần sự tham gia của toàn xã hội để thay đổi phương thức khai thác tài nguyên, cung ứng dịch vụ du lịch cũng như tác động đến thói quen tiêu dùng, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý du lịch", ông Khánh chia sẻ.
Giảm tác động đến môi trường du lịch biển
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, bên cạnh những cơ hội và lợi ích mà du lịch biển đem lại, con người đang khai thác tài nguyên biển thiếu hiệu quả, lơ là trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên biển.
Kết quả giám sát môi trường hằng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng trung bình mỗi khách du lịch lưu trú thải 1,2kg rác mỗi ngày đêm. Mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa là túi ni lông, cốc nhựa, hộp xốp... chiếm khoảng 60%.
Cho nên, theo ông, phát triển du lịch phải song hành với bảo vệ môi trường, chống thải rác nhựa ra biển.
"Nhiều địa phương có lợi thế về biển. Ngoài việc tổ chức các hoạt động để thu hút khách, việc bảo vệ môi trường phải được ưu tiên hàng đầu. Vì đến nay, du lịch biển vẫn là dòng du khách chính trên thế giới và ở nước ta", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.
Để phát triển du lịch biển Khánh Hòa theo hướng xanh và bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo 6 yêu cầu cơ bản gồm: Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển du lịch; bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm các hệ sinh thái và cảnh quan biển, ven biển và đảo; bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái.
Cùng với đó là phát triển hiệu quả du lịch biển dựa trên nền tảng của chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn; thực thi nghiêm túc pháp luật về biển, về du lịch và môi trường; truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch biển xanh và bền vững cho du khách, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.
Những nội dung để Khánh Hòa phát triển du lịch xanh, bền vững
Để phát triển du lịch xanh, bền vững, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm vào các điểm như:
- Tăng cường quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường. Khuyến khích sử dụng sản phẩm du lịch xanh và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng tái tạo.
- Kiểm soát xả thải và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng. Chú trọng vào các sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái biển đảo, kết hợp với các ngành kinh tế khác như kinh tế biển và sản xuất muối để tạo ra giá trị trải nghiệm độc đáo.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đào tạo nhân lực chất lượng cao và hiểu biết sâu sắc về phát triển du lịch bền vững.
- Áp dụng công nghệ số trong quản lý du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh và tăng cường quảng bá du lịch xanh.
- Tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục về du lịch xanh và bền vững cho cộng đồng, du khách và doanh nghiệp.