Thứ nhất, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua, người dân thu hẹp diện tích trồng cà phê để phân lô bán đất nền dẫn đến diện tích trồng giảm đáng kể.
Thứ hai, sau đại dịch Covid-19, giá nhân công tăng, số lượng nông dân Việt Nam cũng giảm mạnh.
Thứ ba, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng cà phê.
Ông Thông cũng đưa ra lời cảnh báo “cơn ác mộng” khan hiếm cà phê sẽ tiếp diễn trong năm 2024, và đang dần trở thành sự thật.
Giá cà phê tăng mạnh khiến các bên tham gia kinh doanh cà phê ký bán trước hàng trăm ngàn tấn. Trong khi, người nông dân cũng nấn ná không giao hàng, nhiều thương lái bắt đầu “bán khống”… đẩy ngành cà phê vào tình trạng hỗn loạn.
“Tại Tây Nguyên, năm qua đã có nhiều người phá sản, nhiều kho cà phê và công ty phá sản ” , ông Thông cho biết. Đại diện Phúc Sinh cũng nhấn mạnh, nếu sự vụ này còn tiếp diễn sẽ phá vỡ hệ thống kinh doanh ngành cà phê đã được xây dựng hàng chục năm; nhiều công ty cung cấp cà phê trên vùng nguyên liệu tiếp tục phá sản, kéo theo nhà xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, phá sản theo.
Chưa kể, khi giá cà phê tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới các nhà rang xay nhỏ lẻ. Bởi, ngành cà phê rang xay cũng cạnh tranh dữ dội, trong đó nhiều nhà rang xay tầm nhỏ và trung phải bán thấp để vào được siêu thị, hệ thống bán lẻ.
Trở lại với thị trường cà phê hiện nay, dữ liệu báo cáo của ICE - Europe cũng cảnh báo lượng hàng tồn kho gần đây đã giảm xuống mức thấp lịch sử, dự báo giá cà phê sẽ còn nhiều biến động đáng kể.
Thương nhân quốc tế suy đoán sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023 - 2024 có thể giảm thêm 2 - 3%. Còn theo Vicofa, niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022 - 2023.
Còn theo khảo sát các vùng trồng cà phê của Phúc Sinh, thì nhận thấy Việt Nam không mất mùa cà phê và cũng như mọi năm, có thể đạt sản lượng khoảng hơn 28 triệu bao (1,7 triệu tấn).