Năm 2035 Ninh Bình sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư trở thành “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”

DLDN - Đây là một trong những muc tiêu phát triển trong quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên canh đó, Ninh Bình sẽ thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”.
07/03/2024

Năm 2035 Ninh Bình sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư trở thành “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển của tỉnh Ninh Bình. 

Theo định hướng đến năm 2025, Ninh Bình hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định gắn với cơ cấu lại không gian địa giới hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới.

Thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là “Đô thị Di sản thiên niên kỷ”. Cùng với đó, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình sẽ là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng. Là một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2035, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam Vùng đồng bằng sông Hồng.

Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, tỉnh được phân thành ba vùng chức năng là các khu vực lãnh thổ tích hợp. Cụ thể, Vùng trung tâm bao gồm vùng quy hoạch đô thị Ninh và thành phố Tam Điệp. Đây sẽ là vùng chức năng tổng hợp giữ vai trò là động lực phát triển của tỉnh. Vùng Tây Bắc bao gồm huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn; là khu vực phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nông thôn, khám phá và trải nghiệm, nơi tập trung các khu bảo tồn quan trọng…Vùng Đông Nam bao gồm huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn; là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển kinh tế biển, khu đô thị, dịch vụ ven biển...

Các hoạt động kinh tế - xã hội tập trung chủ yếu ở các đô thị hiện hữu và các đô thị mới. Ninh Bình sẽ có 1 Hành lang Bắc – Nam, hình thành gắn với đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt và QL.1A; là hành lang trụ cột hình thành vùng chức năng trung tâm, kết nối tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ.

3 hành lang Đông – Tây gồm hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam tỉnh Ninh Bình hình thành, phát triển gắn với tuyến đường Đông - Tây kết nối Ninh Bình với vùng Tây Bắc và vùng kinh tế hành lang ven biển. Hành lang kinh tế Đông - Tây phía Bắc tỉnh Ninh Bình hình thành, phát triển theo trục đường Bái Đính - Kim Sơn ven sông Đáy, kết hợp đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Hành lang kinh tế xuyên tâm Đông - Tây hình thành, phát triển theo các trục đường: QL.21C, QL.12B,... gắn kết với các tuyến đường vành đai đô thị Ninh Bình và đường ven sông Đáy, sông Hoàng Long và cảng biển.

Hành lang ven biển phát triển theo trục kết nối vùng duyên hải Việt Nam.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Toàn tỉnh có 7 đô thị trung tâm gồm 1 đô thị loại I (đô thị hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư), 1 đô thị loại II (thành phố Tam Điệp), 5 đô thị loại IV (các huyện: Gia Viễn, Kim Sơn, Nho Quan và các thị trấn mở rộng: Yên Ninh, Yên Thịnh). 

Có 2 đô thị chức năng (Gián Khẩu, Bình Minh) và các đô thị khác thành lập theo nhu cầu phát triển. Quy mô đô thị xác định cụ thể theo Quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, tỉnh cũng đề ra phương án phát triển các khu vực chức năng. Về hệ thống khu công nghiệp, toàn tỉnh có 11 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.813 ha. Phát triển khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị - dịch vụ; tạo mối liên kết phát triển giữa công nghiệp của tỉnh với vùng Bắc Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. 

Theo quy hoạch, toàn tỉnh cũng sẽ có 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.254 ha, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

..
Hỗ trợ trực tuyến
Top