Sang tháng 10, bình quân giá cà phê xuất khẩu 10 tháng đầu năm tăng 10,6% so với cùng kỳ lên 2.535 USD/tấn, giảm sụt nhẹ so với tháng 9 do giá cà phê trong tháng 10 có sự suy giảm.
Giá xuất khẩu cà phê tiếp tục neo ở mức cao.
Niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam thu về 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% so với niên vụ trước nhờ giá tăng cao.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Việt Nam có sự chuyển dịch đáng kể. Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, cà phê Robusta chiếm tỷ lệ cao nhất với 1,49 triệu tấn, kim ngạch 3,25 tỷ USD; cà phê nhân Arabica xuất khẩu đạt 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD; cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD.
Đặc biệt, xuất khẩu cà phê chế biến có sự gia tăng đáng kể. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn với kim ngạch khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4%, kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2022-2023). Hiện, cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống là: Intimex HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Louis Dreyfus Việt Nam, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Tuấn Lộc Commodities, Giao dịch Hàng hóa Tây Nguyên và Olam Việt Nam.
Về cà phê rang xay hòa tan thì 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tính theo kim ngạch có thể kể đến là: Outspan Việt Nam, Cà phê Ngon, Nestlé Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên, Tata Coffee Việt Nam, URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Instanta Việt Nam, Iguacu Việt Nam và Sucafina Việt Nam.
Giá cà phê tiếp tục neo ở mức cao
Trên thị trường hàng hoá thế giới, nguồn cung chưa dồi dào của Việt Nam cũng giúp giá cà phê neo ở mức cao. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 16/11, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá Robusta tiếp tục tăng, đóng cửa cao hơn mức tham chiếu 0,67%. Đây là giống cà phê chủ lực của Việt Nam, chiếm đến hơn 70% tổng lượng cà phê của cả nước.
Trong khi đó, giá Arabica quay đầu giảm 2,26%. Lượng cà phê chờ phân loại tăng lên trên Sở ICE-US phần nào tạo áp lực lên giá Arabica. Ngược lại, thị trường xuất hiện thông tin mưa làm chậm quá trình thu hoạch cà phê tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy lực mua đối với Robusta.
Với 2.865 bao Arabica loại 60kg mới được bổ sung từ Honduras, Burundi và Tanzania trong phiên 15/11, đã đưa tổng số cà phê đang chờ phân loại lên mức 7.265 bao. Điều này giúp tăng thêm cơ sở để dữ liệu tồn kho có thể cải thiện sau đà giảm sâu xuống mức thấp nhất trong hơn 24 năm.
Đồng thời, theo cập nhật mới nhất từ ICE, báo cáo đóng cửa phiên 16/11 cho thấy đã có thêm 285 bao bổ sung từ Kenya, đưa tổng số bao chờ phân loại hiện tại lên 7.550 bao.
Trong khi đó, Reuters Việt Nam cho biết, mưa tại vành đai cà phê của Việt Nam đang khiến quá trình thu hoạch của nông dân bị chậm lại. Đồng thời, lượng còn phê hiện có đang ở mức thấp và mùa vụ mới không có những tín hiệu tích cực. Điều này dấy lên lo ngại về khả năng đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá Robusta.
Sáng nay 17/11, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục được điều chỉnh tăng khoảng 200 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua cà phê tại nhiều địa phương trong nước đã vượt mốc 60.000 đồng/kg, cao hơn 65% so với cuối năm ngoái.
(Nguồn: Vtc.vn)