Thời gian qua, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực nghiên cứu, tham mưu và kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các luật liên quan đến đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp của kiều bào trong quá trình triển khai các luật này; đề nghị các cơ quan liên quan ghi nhận đề xuất của bà con kiều bào để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng cũng như quy định của luật để đưa luật vào cuộc sống.
Những điểm mới về bất động sản với kiều bào
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1-1-2025) có điểm mới là đưa đối tượng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng nhóm với đối tượng cá nhân công dân Việt Nam. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ về đất đai sẽ ngang bằng với công dân trong nước.
Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, bên cạnh việc vẫn tiếp tục được hưởng các quyền về đất đai, nhà ở thuận lợi hơn người nước ngoài (như được sở hữu không hạn chế số lượng nhà ở gắn với quyền sử đất ở, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở tại các dự án phát triển nhà ở để tạo dựng nhà ở), Luật Đất đai 2024 đã có quy định mới cho phép người gốc Việt Nam được nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất ở.
Các quy định nêu trên của Luật Đất đai 2024 giúp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc tại Luật Đất đai 2013 trước đây, trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở không có công trình nhà ở và thừa kế quyền sử dụng đất ở của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Từ quy định nêu trên, họ cũng được hưởng các quyền đối với nhà ở, quyền kinh doanh bất động sản như công dân trong nước, được quy định tại Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Trải qua một quá trình lâu dài, từ xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, đến nay, về cơ bản đã hình thành khung chính sách, pháp lý liên quan đến việt kiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm rà soát chính sách pháp luật liên quan, hướng tới hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, giải quyết các vướng mắc và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào.