Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin: Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tiếp tục được sử dụng trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo.
“Quỹ bình ổn giá là một biện pháp bình ổn giá. Việc sử dụng thế nào tùy thuộc vào từng giai đoạn và từng loại hình kinh doanh. Trên cơ sở yêu cầu đặc thù của loại hình kinh doanh xăng dầu, quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng này được thành lập và tiếp tục duy trì tiếp tục trong luật giá sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua", ông Chi nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính.
Theo đó, luật giá mới có hiệu lực từ 1/7/2024, vẫn có quỹ bình ổn giá. Luật đã được thông qua nên chúng ta tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong giai đoạn sau đó nữa, việc có nên tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá không, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, đến lúc đó sẽ tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến của chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội phương án phù hợp.
Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành tại các doanh nghiệp. "Đây là quỹ đặc thù, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã có rất nhiều văn bản phối hợp với Bộ Công Thương để phối hợp thực hiện, đồng thời có những hoạt động quản lý, giám sát hoạt động, xử lý vi phạm sát sao, hiệu quả", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tìm giải pháp, cách thức vận hành quỹ phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.
Trước đó, nói về việc ngân hàng đã tự động cấn trừ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, ông Phạm Văn Bình cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Đối với trường hợp Công ty Hải Hà, theo ông Bình, thương nhân đầu mối Hải Hà đã thực hiện việc báo cáo số tài khoản về Bộ Công Thương. Hàng tháng có báo cáo về trích chi số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho cơ quan điều hành.
Về việc ngân hàng đã tự động cấn trừ 270 tỷ đồng từ tài khoản quỹ Bình ổn giá xăng dầu của thương nhân Hải Hà, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước phối hợp chỉ đạo và giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, tình hình trích lập, hình thành, quản lý quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được triển khai đầy đủ khuôn khổ pháp lý…Tuy nhiên, diễn biến của tình hình quản lý và sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp trong thời gian gần đây cũng đặt ra cho cơ quan quản lý làm sao phải làm tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn việc sử dụng quỹ này.
“Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý giá phối hợp với các đơn vị liên quan để có thể rà soát, xem xét các quy định hiện hành, diễn biến trên thực tế để đề xuất cấp có thẩm quyền để bổ sung, chỉnh sửa quy định quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp trên tình thần chặt chẽ, đúng mục đích và minh bạch”, Thứ trưởng nêu.
(Nguồn: Vtc.vn)