Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/3, cổ phiếu BID của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục phá kỷ lục về giá của chính mình khi tăng 1,68% lên mức 54.400 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh trong phiên ở mức gần 1,2 triệu đơn vị. Nhìn xa hơn, thị giá của BID đã tăng đến gần 25% so với đầu năm và tăng đến 46,5% so với cách đây nửa năm - thời điểm mã này bắt đầu nổi sóng tăng.
Ở mức giá 54.200 đồng/cp, vốn hóa của BIDV tiếp tủng củng cố vị trí thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam khi đạt mức 310.000 tỷ đồng, tăng 62.500 tỷ so với đầu năm và tăng 99.000 tỷ đồng so với đầu tháng 10 năm ngoái.
Đặc biệt, xét trên bình diện tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, vốn hóa của ngân hàng này cũng đã chính thức vượt hãng xe điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Kết thúc phiên giao dịch 4/3 tại Mỹ, cổ phiếu VFS đạt mức giá 5,28 USD/cp, tương đương hơn 129.000 đồng/cp, qua đó, giúp vốn hóa của hãng xe này chỉ còn 302.000 tỷ đồng.
Trong ngày đầu niêm yết, vốn hóa của hãng xe điện này gấp hơn 4,1 lần Vietcombank (20,7 tỷ USD) – ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất Việt Nam và gấp 2,3 lần tổng vốn hóa của 3 ngân hàng TMCP gốc quốc doanh Vietcombank, VietinBank và BIDV (khoảng 37 tỷ USD).
Tại mức đỉnh 190 tỷ USD, thậm chí vốn hóa của VinFast này còn gấp 2,2 lần tổng của 10 công ty và ngân hàng có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Như vậy, trong nước đã có hai đơn vị có thể vượt VinFast là BIDV và Vietcombank.
Trong những năm qua, BIDV đã liên tục tăng trưởng mạnh, kéo theo việc giá cổ phiếu cũng liên tục tăng. Năm 2023, ngân hàng lãi trước thuế hợp nhất 27.600 tỷ đồng, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2022. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận của nhà băng này vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank (hơn 41.000 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản BIDV đạt 2,3 triệu tỷ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tiền gửi khách hàng đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 15,7%. Cho vay khách hàng đạt 1,78 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,8% so với đầu kỳ. Tại thời điểm cuối năm, nợ xấu của BIDV ở mức 22.229 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tương ứng ở mức 1,25%.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, BIDV cho biết dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, dự kiến tăng 14%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức ≤1,4%...
Câu chuyện tăng vốn của BIDV
Trong báo cáo phân tích công bố hồi tháng 12/2023, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết câu chuyện phát hành riêng lẻ vẫn đang được BIDV xúc tiến sang năm 2024. Ngân hàng đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cho nhà đầu tư. Thời gian qua, BIDV nỗ lực thực hiện, đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong nước không thuận lợi đã làm giảm nhu cầu. BIDV sẽ làm việc với NHNN, các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất.
Còn theo Chứng khoán Vietcap cũng nhận định thương vụ tăng vốn của nhà băng này sẽ là điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2024. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, bao gồm gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phần còn lại là phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu). Hồi cuối năm 2023, BIDV đã phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021.
Theo Vietcap, một trong những nguyên nhân khiến BIDV chưa thực hiện được việc bán vốn trong năm 2023 vừa qua là do điều kiện kinh tế chưa cho phép. Với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, nhóm phân tích kỳ vọng hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu có thể thành công.
Còn trong báo cáo chiến lược 2024, SSI Research đánh giá những ngân hàng có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các ngân hàng khác.
Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của bộ phận phân tích này dự kiến tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn so với mức 5,2% trong năm 2023.
Về chất lượng tài sản, SSI Research cho rằng tình hình chung của các ngân hàng sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.
Tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 được dự báo sẽ giảm nhẹ so với năm 2023 (1,63% so với 1,68%), do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.
Mặt khác, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ Nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.