Bất động sản trầm lắng, tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm sâu, doanh nghiệp kêu cứu

Tiêu thụ thép, xi măng, kính xây dựng giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm, nguyên nhân theo các chuyên gia là do thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng từ cuối năm 2022 đến nay.
12/06/2023
Bất động sản trầm lắng, tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm sâu, doanh nghiệp kêu cứu - Ảnh 1.

Hoạt động xây dựng đình trệ dẫn tới tiêu thụ thép xây dựng, xi măng giảm sâu trong 5 tháng đầu năm - Ảnh: B.NGỌC

Tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm mạnh

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tiêu thụ xi măng, clinker nội địa và xuất khẩu năm 2022 đạt 100 triệu tấn, giảm 8,4 triệu tấn so với năm 2021.

Và trong 5 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ xi măng, clinker tiếp tục giảm, đạt khoảng 37,4 triệu tấn, trong khi chi phí sản xuất đầu vào ngành xi măng lại tăng theo giá năng lượng.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cũng ghi nhận sản xuất, tiêu thụ thép giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm.

Sản xuất thép thô 4 tháng đạt gần 6 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ thép 4 tháng đạt khoảng 6,1 triệu tấn, giảm 18%, trong khi xuất khẩu thép thô chỉ đạt 518.000 tấn, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cát 'nhảy múa' ở các chợ miền Tây

Riêng sản xuất thép xây dựng 4 tháng đầu năm nay đạt 3,44 triệu tấn, giảm 26,4%; tiêu thụ đạt 3,36 triệu tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo Hiệp hội Kính xây dựng và Thủy tinh Việt Nam, doanh thu ngành kính xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 giảm 70-80% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục.

Lượng tiêu thụ kính xây dựng 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 54 - 82 triệu m2.

Bất động sản trầm lắng, tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm sâu, doanh nghiệp kêu cứu - Ảnh 3.

Khó khăn kép: 'thiếu đầu ra' và 'lãi vay ngân hàng quá cao'

Theo TS Lương Đức Long - phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngoài khó khăn do nhu cầu thị trường giảm thì ngành xi măng đang đối mặt với khó khăn về giá năng lượng, chi phí vận tải tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% kể từ 1-1-2023.

"Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành xi măng hiện nay là không tiêu thụ được sản phẩm do tắc đầu ra", ông Long nhấn mạnh. 

Cũng theo vị này, thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chậm triển khai là nguyên nhân dẫn tới tiêu thụ xi măng giảm mạnh.

Để gỡ khó cho ngành xi măng, ông Long kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xuất khẩu xi măng để điều tiết nguồn cung dư thừa; đồng thời thực hiện giảm hoặc tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10%.

Và để tăng tiêu thụ thép trong nước, ông Đinh Quang Huy, chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đạt 95-100% kế hoạch năm, khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở, đơn giản thủ tục gói 120.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Cảnh Hồng, tổng giám đốc Công ty CP Eurowindow - cho biết doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất nhôm, kính trong 5 tháng đầu năm giảm từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường bất động sản trầm lắng tác động rất lớn tới tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó có ngành sản xuất nhôm kính.

Cũng theo ông Hồng, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu đang đối mặt với khó khăn kép là thiếu đầu ra và lãi vay ngân hàng quá cao.

Đầu ra của ngành vật liệu chính là ngành xây dựng, bất động sản, và sự trầm lắng, đóng băng của thị trường bất động sản đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Để gỡ khó cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ông Hồng cho rằng cần tập trung vào 3 vấn đề chính.

Đó là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản để kích cầu với ngành vật liệu xây dựng. Thời gian qua Chính phủ có nhiều giải pháp để tháo gỡ cho ngành bất động sản, nhưng từ chính sách tới thực tiễn có độ trễ, hy vọng từ nay đến cuối năm thị trường bất động sản dần hồi phục trở lại.

Ngành bất động sản đình trệ còn làm cho nợ đọng của doanh nghiệp vật liệu xây dựng tăng lên, vấn đề này cần giải quyết sớm để khơi thông dòng tiền.

Vấn đề thứ hai là lãi suất cho vay sản xuất từ 10-12%/năm, thậm chí 14%/năm là quá cao, trong khi tại Trung Quốc họ cho vay sản xuất chỉ từ 3,6-4%/năm.

Thứ ba là nhu cầu tiêu thụ vật liệu giảm mạnh.

"Trong giai đoạn hiện nay nên giảm, giãn, hoãn thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn để duy trì sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Hồng đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Hồng cũng cho rằng cần đẩy nhanh việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho phép khoanh nợ, tránh nhảy nhóm nợ nhưng chưa tác động đến thực tiễn vì các ngân hàng thương mại triển khai rất chậm.

(Nguồn tuoitre.vn) 

 

..
Hỗ trợ trực tuyến
Top