Nhà thi đấu Phan Đình Phùng với bốn mặt tiền nhìn từ trên cao
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng có vị trí “vàng” gồm bốn mặt tiền đường trung tâm TP.HCM: Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần (quận 3) đã từng là địa điểm gắn liền với các hoạt động văn hóa, thể thao quen thuộc của người dân TP.HCM.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3-2010.
Đây là một trong số ít các dự án được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục triển khai xây dựng theo hợp đồng BT sau khi phương thức hợp tác công tư này chính thức bị dừng lại năm 2019.
Nhà thi đấu có mức đầu tư được công bố là 988 tỉ đồng. Đến năm 2013, công trình đội giá lên 1.352,7 tỉ đồng và UBND TP.HCM xin bổ sung thêm khu đất tại 3-3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) để thanh toán cho nhà đầu tư.
Hiện tại các khu đất được đề xuất để thanh toán hợp đồng BT cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng là khu đất ở đường Trần Hưng Đạo, đường Phan Văn Đạt nói trên, khu đất 181 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và khu đất số 72/2B đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức).
Tuy nhiên ngoài khu đất 257 Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng phê duyệt để thanh toán cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, các khu đất còn lại đều cần phải có ý kiến của Ban chỉ đạo 167 về sắp xếp lại nhà, đất công.
Theo thiết kế, dự án có quy mô hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng cho các giải thi đấu lớn gồm 7 tầng nổi và 3 tầng hầm, rộng 14.417,8m2, khán đài có sức chứa 4.000 chỗ, mặt sàn đấu có chu vi 40 x 60m… Tuy nhiên dự án chỉ nằm trên giấy, hiện nay bị bỏ hoang
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng được Thủ tướng chấp thuận đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2010. Tuy nhiên dự án đã “đắp chiếu” hơn 13 năm nay và trông hoang phế dù nằm cạnh bên nhiều công trình di tích của quận 3 và trung tâm quận 1
Dự án này ban đầu có tổng vốn đầu tư 988 tỉ đồng, nhà đầu tư được chỉ định cho Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty TNHH An Tạo. Mặt bằng 257 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang (quận 1) được TP đề xuất bán chỉ định cho nhà đầu tư để hoàn vốn
Năm 2011, Công ty TNHH An Tạo rút khỏi dự án, chỉ còn Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa tiếp tục thực hiện dự án. Năm 2013, nhà thi đấu Phan Đình Phùng có phương án thiết kế mới. Lúc này khái toán tổng mức đầu tư cho dự án được nâng lên hơn 1.352 tỉ đồng
Đến năm 2016, tổng mức đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng nâng lên với gần 1.954 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với ban đầu. TP cũng tính toán bù thêm cho nhà đầu tư các khu đất 3-3 bis Phan Văn Đạt (quận 1), khu đất 181 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và khu đất số 72/2B đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức)
Đầu năm 2017, sân Phan Đình Phùng đã bị đập, tháo dỡ để khởi công xây dựng. Đến đầu năm 2018, UBND TP duyệt chỉ định cho liên danh Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt đầu tư. Tuy nhiên dự án được vây tôn bao và tiếp tục "đắp chiếu" đến nay. Bên trong là khu đất bỏ hoang, bên ngoài là vỉa hè nhếch nhác
Nguyên nhân dự án “đắp chiếu” được trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP chỉ ra là ngoài các vướng mắc thì còn do sự chủ quan của TP trong việc xác định những vị trí đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Đến nay ngoài khu đất 257 Trần Hưng Đạo đã được duyệt để thanh toán, các khu đất còn lại đều cần phải có ý kiến của Ban chỉ đạo 167 về sắp xếp lại nhà, đất công. Trong khi vào tháng 11-2022, TP đã lập tổ công tác do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng để gỡ vướng cho dự án
Dù dự án được Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện theo hình thức BT không cần phải áp dụng đến nghị quyết 98 nhưng trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND cũng nêu ra để đề nghị TP phải tập trung có giải pháp cho dự án này.
(Nguồn:tuoitre.vn)