Theo đó, NHNN cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng thỏa thuận về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng.
Thời gian qua, TCTD đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền vay với nhiều loại hình tài sản khác nhau như ô tô, tài sản hình thành trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ, bất động sản... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được TCTD đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi.
“Do đó, khách hàng làm việc trực tiếp với TCTD cho vay để đề xuất cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay”, văn bản trả lời của NHNN nhấn mạnh.
NHNN khẳng định, khách hàng có thể vay vốn dựa trên nhiều loại tài sản đảm bảo khác ngoài bất động sản. (Ảnh minh họa: Ngô Nhung)
NHNN cũng cho biết đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất, cụ thể là điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2 điểm %/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay cũng như nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn.
Gần đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng. Trong đó bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Trước đó, kiến nghị của cử tri TP.Hà Nội gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đề nghị NHNN nghiên cứu tạo lập các kênh thông thoáng nhưng có kiểm soát hợp lý để tạo nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động. Cụ thể, cho phép các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất được thế chấp bằng máy móc, sản phẩm đầu ra, đầu vào để hạn chế phải thế chấp bằng bất động sản.
(Nguồn: