Tín hiệu vui từ thị trường khách Trung Quốc
Theo TTXVN, sau thông tin Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ ngày 15/3/2023, nhóm cổ phiếu du lịch, dịch vụ trên thị trường niêm yết có tín hiệu tích cực trở lại.
Giới phân tích kỳ vọng, đây là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này trong thời gian tới.
Theo Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Đoàn du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: TTXVN.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy thời gian qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Riêng tháng 2 vừa qua, Việt Nam đón hơn 932.000 lượt khách quốc tế, tăng 7,1% so với tháng 1/2023.
Đại diện lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá, bay quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách, nhưng chiếm 60% doanh thu và nội địa chiếm 60% sản lượng khách, song chỉ mang lại 40% doanh thu. Trong số đó, Trung Quốc góp phần quan trọng với hơn 20% sản lượng bay quốc tế.
Hiện nay, các doanh nghiệp hàng không đã sẵn sàng khôi phục hoàn toàn mạng bay tới Trung Quốc. Vietnam Airlines sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3-4 năm nay, qua đó khôi phục tổng cộng 9/10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Ngoài ra, hãng hàng không Vietjet cũng mở lại và tăng tần suất khai thác các chuyến bay thẳng đến Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)…
Mọi thứ đều đã sẵn sàng "đón sóng" du lịch
Thông tin Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3 thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, mở ra triển vọng rất lớn về phục hồi du lịch quốc tế.
Trao đổi với Người Lao Động, ông Đào Trọng Tùng, Giám đốc Công ty CP Charter Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành đón khách Trung Quốc tại Khánh Hòa, cho biết 21 doanh nghiệp lữ hành thuộc hiệp hội đều đã có các kế hoạch, chương trình để thu hút khách Trung Quốc vào Việt Nam từ ngày 15/3, trong đó Khánh Hòa sẽ là địa điểm ưu tiên.
Sau 3 năm ngừng đón khách Trung Quốc do dịch COVID-19, ông Tùng đánh giá ngành du lịch Việt Nam bước đầu sẽ gặp một số trở ngại về đội ngũ hướng dẫn viên, phiên dịch; việc bảo đảm an toàn phòng dịch; nhiều dịch vụ vẫn chưa khởi động trở lại…
Cũng theo ông Tùng xu hướng hiện nay khách Trung Quốc đi từng nhóm nhỏ, gia đình, chứ không đi theo đoàn lớn. Do đó, thị trường khách Trung Quốc dự kiến sẽ là những vị khách có tiền, chịu chi. Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho hay nắm bắt tâm lý của khách, nhiều doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc đã chuẩn bị theo từng bước, phục hồi dần chứ không ồ ạt đưa khách qua.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có gần 1.150 cơ sở lưu trú với hơn 55.000 phòng. Công suất phòng vẫn còn thấp, do đó phải thu hút được khách quốc tế, nhất là khách Trung Quốc, để bù vào lúc thấp điểm khách nội địa. Ngành du lịch sẽ chuẩn bị đón khách một cách an toàn, bền vững và có lợi nhất. Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tăng cường phòng chống dịch, bảo đảm an toàn đón khách quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết thị trường khách du lịch ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại tỉnh này ước đạt 930.000 lượt, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 425.000 lượt, tăng gấp 73 lần. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 970 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần.
Ảnh minh họa.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Đỗ Xuân Quang cho biết để đón khách du lịch quốc tế một cách thuận lợi, Việt Nam cần sớm triển khai các chính sách thị thực thông thoáng, cấp thị thực điện tử cho nhiều nước hơn, bao gồm cả du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu điện tử cũng như tiến tới miễn thị thực cho du khách Australia, khối Schengen...
Về phía các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhiều ý kiến cho rằng để du khách trải nghiệm du lịch và quyết định có quay trở lại Việt Nam hay không là nhờ các sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, “nút thắt visa” là cánh cửa đầu tiên đưa du khách đến Việt Nam và chính sách thông thoáng, cởi mở là giải pháp hiệu quả để thu hút du khách quốc tế, góp phần đưa du lịch-hàng không trở lại vị thế vốn có trong khu vực và thế giới. Đồng thời, Việt Nam có thể phát triển các hình thức kinh doanh du lịch tiềm năng như: du lịch sức khỏe, du lịch mua sắm, giải trí...
Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, tiếp cận nhiều nguồn lực và khách hàng hơn như Vietravel thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn.
Thông tin trên VOV, Trung Quốc chính thức đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3/2023. Chưa kịp mừng với thông tin này, các hãng hàng không đã lo lắng sẽ bị mất slot (giờ cất hạ cánh) lịch sử.
Sau khi thị trường du lịch mở cửa, mặc dù các hãng hàng không đều đã chuẩn bị kế hoạch khai thác thị trường Trung Quốc nhưng các hãng bay phải phụ thuộc vào tình hình thị trường, phụ thuộc vào nguồn khách du lịch, trong khi các công ty lữ hành cần ít nhất từ 2-3 tháng để giải quyết các vấn đề về thị trường, sản phẩm, giá cả, triển khai bán… Chính vì vậy, các hãng hàng không dự kiến phải đến tháng 6/2023 mới có thể khai thác các đường bay đi/đến Trung Quốc.
Ngoài ra, để khai thác trở lại thị trường Trung Quốc, các hãng bay sẽ phải sắp xếp lại toàn bộ lịch bay nên chắc chắn sẽ dẫn tới sự xáo trộn không hề nhỏ. Đã vậy, trong thời gian chưa khai thác từ nay đến tháng 6, các hãng sẽ không thể sử dụng slot đã cấp cho các đường bay đi/đến Trung Quốc. Trong khi đó, theo Thông tư 29 Quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, các hãng hàng không phải sử dụng đúng ít nhất 80% slot đã được xác nhận của mùa lịch bay năm trước mới được xem xét cấp lại chuỗi slot cho mùa lịch bay tương ứng của năm tiếp theo.
Đây chính là điểm mà các hãng hàng không lo lắng bởi không thể đảm bảo được việc sử dụng đúng 80% slot khi không bay và cần phải được áp dụng nguyên tắc “miễn trừ” nhằm tạo thuận lợi nhất cho các hãng hồi phục sau giai đoạn dịch.
Trúc Chi (t/h)/nguoiduatin-14/3/2023
Link nguon: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-du-lich-don-song-tang-truong-tu-thi-truong-trung-quoc-a597761.html