Trong báo cáo mới nhất, VNDIRECT cũng đưa ra nhận định dòng vốn vay đã và sẽ dễ tiếp cận hơn với các chủ đầu tư bất động sản. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng trong tháng 9 dao động từ 4,99 - 11,8%/năm.
Điển hình, tại các ngân hàng thương mại như TPBank, HDB, VIB, Eximbank...lãi suất cho vay mua nhà dao động chủ yếu trong khoảng 6,8 - 9%/năm. Một số ít ngân hàng có mức lãi vay trên 9%/năm, có thể kể đến như SeABank (9,29%/năm), UOB (9,49%/năm)...
Nhận định về dòng vốn vào thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết, cung tiền bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2023 đến nay và so với cùng kỳ năm trước tăng trên 6%. Khi vòng quay tiền nhanh hơn sẽ thúc đẩy vốn cho doanh nghiệp và người dân tốt hơn.
Hiện dòng vốn vào bất động sản vẫn đang chảy đều. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đăng ký mới tính đến 20/9 vào ngành bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm khoảng gần 10% tỷ trọng FDI.
Dòng vốn vào thị trường bất động sản dần được khơi thông. (Ảnh minh họa)
Về trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại. 8 tháng đầu năm nay toàn thị trường phát hành khoảng 132 ngàn tỷ, mức giảm khoảng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức giảm toàn năm ngoái (47%).
Theo ông Lực, dòng vốn được khơi thông là do thời gian qua, loạt chính sách đang có tác động mạnh tới thị trường nhà đất.
Điển hình như chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. Ngân hàng Nhà nước cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đang giảm dần. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực hiện như cơ cấu nợ, đảo nợ…
“Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản. Đặc biệt, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm phí”, ông Cấn Văn Lực khẳng định.
Cuối năm, dự báo dòng vốn sẽ tiếp tục được cải thiện. (Ảnh minh họa)
Ông Lực còn lạc quan dự báo, các chính sách gỡ vướng được đẩy nhanh sẽ giúp dòng vốn cho thị trường bất động sản “dễ thở” hơn trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, các chuyên gia đều nhận định, thời gian tới, dòng vốn chảy vào bất động sản sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 10 sửa đổi Thông tư 06 nhằm gỡ khó về điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp bất động sản.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng việc ban hành Thông tin số 10 sẽ giúp khôi phục lại thanh khoản của thị trường mua bán - sáp nhập các dự án bất động sản khi các doanh nghiệp có thể dùng vốn vay để mua lại các dự án. Đồng thời giúp nguồn vốn tín dụng đến được với các dự án bất động sản trong giai đoạn triển khai dự án và xây dựng ban đầu, là lúc mà các dự án cần được hỗ trợ nhất.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về tài chính hiện nay có cơ sở để bù đắp, duy trì các cam kết về tài chính với khách hàng cũng như tiếp tục triển khai dự án.
“Chúng tôi kỳ vọng Thông tư 10 sẽ giúp khơi thông dòng vốn tín dụng vào ngành bất động sản trong những tháng cuối năm nay”, VNDirect nhận định.
Bên cạnh dòng vốn trong nước, thị trường bất động sản cũng đang thu hút một lượng lớn nguồn vốn FDI.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản thu hút gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI vào Việt Nam.
Ông Neil Macgregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, hiện tại, Savills vẫn liên tục tiếp nhận yêu cầu từ các doanh nghiệp quốc tế muốn đầu tư trực tiếp vào thị trường nội địa Việt Nam trải dài trên tất cả các phân khúc từ nhà ở, thương mại cho tới công nghiệp.
“Trước các nỗ lực của Chính phủ để gỡ thế khó của bất động sản, chúng tôi tin rằng thị trường trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh với những thông tin tích cực hơn, theo hướng bền vững hơn với quy chế rõ ràng hơn”, đại diện Savills nhấn mạnh.
(Nguồn: Vtc.vn)