Du lịch - nguồn tăng trưởng sẽ xoa dịu những thách thức trong năm 2023

Bất chấp tình hình khó khăn, HSBC cho rằng Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
06/02/2023
 
Trong báo cáo “Vietnam At A Glance”, HSBC cho rằng 2023 sẽ là một năm thách thức cùng với sự chuyển dịch hàng hóa sang dịch vụ. Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng du lịch quốc tế, vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại phục hồi không mấy sôi động. Mặc dù vậy, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. 
 
Theo HSBC, một nguồn tăng trưởng chính sẽ đến từ du lịch. Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, giúp Việt Nam dễ dàng vượt qua mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 và thực tế đạt được trên 100 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong khi đó, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%).
 
 
Xu hướng thị trường - Du lịch - nguồn tăng trưởng sẽ xoa dịu những thách thức trong năm 2023
 
Tình hình tăng trưởng khách du lịch Quốc tế tại Việt Nam và khách du lịch Trung Quốc tại thị trường ASEAN.
 
Tuy nhiên, du lịch quốc tế mới chỉ phục hồi phần nào chứ chưa hẳn là hoàn toàn, với lượng khách du lịch đạt 3,6 triệu lượt, chỉ bằng 20% so với mức của năm 2019. Điều đó càng nhấn mạnh tiềm năng đáng kể để mảng dịch vụ tiếp tục phát triển trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại. 
 
Trung Quốc đại lục, nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trước đại dịch, gần đây cũng đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại, tạo thêm thuận lợi cho ngành du lịch đang phát triển mạnh của Việt Nam. Việt Nam có thể đạt được tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50-80%. Mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ nhưng tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện. 
 
Việt Nam còn có những “cú hích” khả dĩ nào khác nữa?  
 
HSBC cho biết, việc khai thác thêm các thị trường mới sẽ là một vấn đề trọng tâm, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ, một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong mảng du lịch quốc tế của Việt Nam.
 
 
Xu hướng thị trường - Du lịch - nguồn tăng trưởng sẽ xoa dịu những thách thức trong năm 2023 (Hình 2). 
 
Thống kê về hành vi của du khách đến từ các thị trường chính năm 2019.

 

 
Đặc biệt, cần chú trọng trong việc tạo thuận tiện trong di chuyển cho khách du lịch, VietJet đã bắt đầu khai thác các đường bay giữa đảo nghỉ dưỡng Phú Quốc với New Delhi và Mumbai của Ấn Độ. Các đường bay khác cũng đã khai trương nhằm kết nối các thành phố lớn của hai nước. Việc đi lại dễ dàng hơn cũng tạo điều kiện cho kết nối du lịch sâu rộng hơn.
 
Không những thế, HSBC đánh giá, Việt Nam đang xem xét nới lỏng thêm chính sách thị thực, là một bước đi hợp lý. Hiện tại, Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc đại lục, Mỹ và Úc, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày. Rõ ràng, so với các quốc gia khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam.
 
Báo cáo “Vietnam At A Glance” cũng cho rằng một cách khác để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch không chỉ ở cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thống mà còn là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Du lịch thể thao, một phân khúc du lịch nằm trong tầm nhìn ngành du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng có thể giúp thu hút du khách thuộc nhóm có mức chi tiêu cao.
 
Link nguon: https://www.nguoiduatin.vn/du-lich-nguon-tang-truong-se-xoa-diu-nhung-thach-thuc-trong-nam-2023-a592450.html
..
Hỗ trợ trực tuyến
Top