Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch dựa vào văn hóa và môi trường sẽ là là nền tảng cho du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định rõ quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch cần tính đến yếu tố du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ trên dãy Trường Sơn.
Tạm rời phố thị náo nhiệt, chị Nguyễn Thị Linh ở thành phố Hố Chí Minh đến Cổng trời Đông Giang, tỉnh Quảng Nam để nghỉ dưỡng. Chị Linh cảm nhận, nơi đây không khí trong lành và được tham gia nhiều hoạt động thú vị như tham quan hệ thống hang động, trekking thác suối, thưởng thức các món ăn của đồng bào Cơ Tu.
“Điều ngạc nhiên nhất là sự phát triển mạnh mẽ rất đẹp. Từ chỗ rừng núi âm u bây giờ có đầy đủ tất cả mọi trang thiết bị phục vụ cho khách du lịch như thế này thì trên cả tuyệt vời. Mình rất ngạc nhiên sao lại phát triển nhanh và hoàn hảo đến như vậy. Bây giờ mình thấy rất đa dạng rồi cũng nhiều loại hình để phục vụ cho khách du lịch. Chỉ có về chất lượng cố gắng nâng chất lượng lên, ví dụ hướng dẫn chuyên nghiệp” - chị Linh cho biết.
Đến với du lịch xanh, du khách thích thú trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, say mê với những giá trị văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân.
Tour trải nghiệm, khám phá thiên nhiên bản làng người Rục mùa nước lụt tại khu vực Hung Trâu, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
“Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là du lịch theo hướng bền vững, đáp ứng đồng thời 3 mục tiêu: Tăng trưởng du lịch nhanh, ổn định đảm bảo chất lượng hiệu quả; bảo vệ được tài nguyên môi trường, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu và giải quyết tốt các vấn đề kinh tế xã hội, đảm bảo hài hòa các chủ thể tham gia hoạt động du lịch. Phát triển xanh trong du lịch góp phần thúc đấy việc hình thành kinh tế xanh” - Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm.
Những năm qua, nhiều dự án, chương trình mục tiêu quốc gia đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm đổi thay diện mạo nơi đây. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ du lịch ở khu vực này chậm phát triển, thiếu đồng bộ; các nhà đầu tư không dám mạo hiểm đầu tư vào du lịch trên dãy Trường Sơn.
Ngôi nhà chống lũ ở xã Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được xây dựng trở thành homestay.
Để phát triển du lịch xanh cần xác định rõ du lịch gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Người dân và du khách nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh, bảo vệ di sản thiên nhiên, bảo tồn di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Cơ quan chức năng cần có các cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh phù hợp với từng địa phương.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, Chuyên gia nghiên cứu lịch sử - văn hóa con người thì vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình rất giàu tiềm năng du lịch với các vẻ đẹp đa dạng và phong phú nhưng vẻ đẹp ấy được ví như “nàng công chúa ngủ quên”. “Chúng tôi coi những con người đang sống trên vùng miền núi này có những di sản để lại rất quý báu được chúng tôi gọi là “hoa trên đá núi”. Nhưng phải đánh giá được để xác định trong đó, có bao nhiêu tài nguyên di sản văn hóa là tài nguyên du lịch và có bao nhiêu tài nguyên có thể xây dựng sản phẩm du lịch. Đối với các loại hình du lịch miền núi, phải xác định loại hình nào phù hợp và theo tôi đó là loại hình du lịch cộng đồng” - ông Thái nói.
Du khách khám phá hang động tại miền núi Quảng Bình.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu ra định hướng: "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường". Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái; Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch.
Khai thác tài nguyên thiên nhiên để làm du lịch xanh bền vững.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình du lịch xanh cần có định hướng, lộ trình bài bản; tránh kiểu làm tự phát, thiếu quy hoạch và đặc biệt không thể thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương. Hiện nay, các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đã liên kết với nhau hình thành Con đường di sản miền Trung. Con đường di sản này kết nối các Di sản thế giới ở khu vực Trung Bộ, bao gồm: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Cố đô Huế với 2 di sản là Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế; Khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An (Quảng Nam). Trên con đường này còn có 2 di sản thế giới khác là cố đô Luang Prabang (Lào) và Quần thể di tích đền Angkor (Campuchia). Các di sản này kết nối nhau hợp thành một chương trình hợp tác du lịch lớn hơn của Việt Nam - Lào - Campuchia với tên gọi “3 quốc gia - một điểm đến".
Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, hòa mình vào thiên nhiên.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng nhận định, ý nghĩa của việc liên kết này để chia sẻ nguồn khách, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, hỗ trợ nhau trong bảo tồn, phát huy các tiềm năng di sản trên dãy Trường Sơn.
“Việc liên kết giữa các địa phương trong khẩu hiệu “Miền di sản diệu kỳ” đã góp phần liên kết các di sản văn hóa khu vực. Với vai trò là cửa ngõ đi vào các di sản văn hóa trong khu vực, Đà Nẵng thời gian qua đã đón được lượng khách nhiều, để đạt được kết quả như vậy cần dựa vào thương hiệu di sản văn hóa thế giới hiện đang có mặt tại các địa phương từ Quảng Bình tới Quảng Nam” - ông Nguyễn Xuân Bình nói.
Du khách khám phá hang động tại miền núi Quảng Bình.
- Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam đạt hơn 1.000.000 lượt. Đa số du khách tìm đến các dịch vụ du lịch xanh như nghỉ dưỡng, sinh thái cộng đồng, khám phá hang động, du lịch tâm linh, lịch sử.
- Chuyên trang du lịch Wanderlust của Anh đã lựa chọn tỉnh Quảng Nam là một trong bốn điểm đến du lịch xanh hàng đầu châu Á, với những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường.
- Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình được du khách toàn thế giới bình chọn và đứng thứ 15 trong Top 25 công viên quốc gia tốt nhất thế giới. Trong năm 2022, Tạp chí du lịch AFAR của Mỹ công bố, Phong Nha Kẻ Bàng là 1 trong 39 điểm đến đáng giá để trải nghiệm.
- Theo định hướng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%".
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong 2 năm tới du lịch đi lên bằng 2 trụ cột, đó là chú ý thị trường nội địa kết hợp với khai thác và đánh giá lại tiềm năng của khách quốc tế. Những chỉ số xanh trong du lịch tạo nên niềm tin, sức hấp dẫn để thu hút khách, trở thành nơi đáng đến, đáng để trải nghiệm, đáng để đầu tư và là nơi đáng sống.
“Kinh tế xanh đã được nhiều quốc gia đã thực hiện, tăng trưởng xanh đã nghe rất nhiều, vấn đề là bây giờ du lịch xanh chúng ta hiểu nó là như thế nào trong điều kiện dịch bệnh chúng ta cố gắng tạo ra vùng xanh để chúng ta đưa du khách đến an toàn. Còn chúng ta đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, trong nền kinh tế mũi nhọn thì nội hàm xanh đó là thể hiện ý nói là sự tăng trưởng bền vững và tác dụng đến hỗ trợ cho các nhóm ngành kinh tế khác, bởi vì du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Du khách đến với Cổng trời Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Du lịch xanh phát triển bền vững phải gắn liền với tăng trưởng xanh. Phát triển du lịch cuối cùng là để mang lại hạnh phúc cho người dân. Các thế hệ mai sau có quyền được thụ hưởng những tiềm năng di sản trên dãy Trường Sơn. Làm du lịch xanh phải hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mang lại giá trị cao nhất cho tăng trưởng xanh, đồng thời luôn tôn trọng, gìn giữ di sản cho đời sau./.
Thanh Hiếu-Tuyết Lê/VOV-Miền Trung/24/5/2023
Link nguon: https://vov.vn/du-lich/du-lich-xanh-tren-day-truong-son-huong-den-tang-truong-xanh-post1022007.vov