Ẩm thực chay có nguồn gốc từ Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ VI trước công nguyên. Ở Việt Nam, do sự du nhập của Phật giáo đại thừa từ sớm nên ăn chay đã có từ lâu, thịnh hành từ thời nhà Lý, nhà Trần.
Ngày nay, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra các lợi ích cho sức khỏe của ăn chay như hạn chế dư thừa cholesterol, giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch.
VnExpress xin giới thiệu một số món chay đẹp mắt, bổ dưỡng phù hợp để làm cỗ cúng rằm tháng Giêng.
Xôi vò
Xôi vò được ví là đỉnh cao ẩm thực Hà Nội chỉ có vào những ngày rằm, dịp Tết. Sự cầu kỳ, tỉ mỉ của người phụ nữ Hà thành làm nên ''kim bao ngân'' (vàng bọc bạc) với những hạt nếp tơi mọng áo nhẹ lớp đỗ xanh bùi thơm bên ngoài mà ai thưởng thức đều nhớ mãi.
Theo kinh nghiệm xưa, để làm xôi vò ngon cần nắm vững chi tiết và bí quyết như gạo nếp cần làm kỹ 3 bước ngâm - hong - đồ. Đậu xanh cũng cầu kỳ với 5 bước ngâm - hong - đồ - giã - nắm. Đồ xôi muốn để lâu vẫn dẻo mềm, căng mọng bắt buộc phải đồ 2 lần lửa.
Nem rán chay
Từng chiếc nem rán chay với vỏ ngoài vàng ươm, nhân bên trong mềm ngọt từ rau củ quyện với vị bùi bùi từ đậu xanh rất cuốn vị.
Để chả giò lên màu đẹp mắt, vỏ giòn lâu, nhân không bị ỉu cần lưu ý các mẹo sao khi làm: Vắt ráo các loại rau củ quả để nhân không bị chảy nước. Khi gói chả giò thì gói vừa tay, không nên chặt quá vì khi rán nhân nở làm vỡ nem. Chiên 2 lần lửa giúp chả giò vàng ươm, giòn rụm dù để lâu.
Nem thính chay
Nem thính chay luôn ''đắt hàng'' bởi nấm giòn dai, miến dẻo mềm, dậy mùi thơm của thính gạo, lá chanh, vị hài hòa. Món này ăn kèm cuốn rau sống hoặc cùng chút bánh tráng và bún, chấm nước mắm chay chua ngọt hoặc nước tương đều ngon.
Các món ăn chay thường sử dụng nấm vì đây là thực phẩm giàu protein, axit amin, khoáng chất tốt cho sức khỏe. Khi làm món ăn này cần chần sơ và vắt ráo nước từ nấm để khi chiên không bị bắn dầu. Chiên vừa giúp món ăn có màu hanh vàng bắt mắt, vừa tạo độ giòn dai cho nấm.
Nộm su hào
Món ăn thanh mát này luôn đắt khách ngày rằm, dịp lễ bởi su hào giòn sần sật quyện với lạc rang bùi thơm, vị chua cay mặn ngọt vừa vặn, hài hòa. Chú ý chọn su hào non sẽ giòn hơn. Su hào nên thái sợi nhỏ, tránh bào sợi vì dễ bị đứt gãy. Ướp chút muối hạt vào su hào, cà rốt thái sợi vừa giúp tiết nước vừa giảm mùi hăng ngái giúp món nộm luôn giòn ngon dù để lâu.
Xíu mại chay
Xíu mại có màu đỏ bắt mắt, giữ nguyên hình dạng, không bị vỡ. Khi ăn, vị bùi béo từ đậu phụ, váng đậu quyện với giòn ngọt từ củ đậu, chút sần sật từ mộc nhĩ, vị vừa vặn. Nước sốt xíu mại màu đẹp, sánh nhẹ. Món này ăn cùng bánh mì, cơm trắng đều ngon.
Để xíu mại chắc, không bị nhão, giữ nguyên hình dáng khi hấp, khâu sơ chế cần kỹ (đậu phụ luộc, để ráo nước cho chắc, củ đậu chần sơ vắt ráo nước). Thêm chút bột năng hoặc bột mì, bột chiên xù đều được, nhằm tạo độ kết dính cho viên xíu mại. Để tạo độ mịn cho sốt xíu mại nên chọn cà chua chín mọng, chần sơ bóc bỏ vỏ, băm nhỏ, thêm chút dầu màu điều tạo màu sắc bắt mắt. Những người ăn chay trường bỏ các ngũ vị tân (Hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ) thay bằng hành boa-rô (tỏi tây).
Bún gạo xào chay
Bún gạo mềm tơi thấm vị, rau củ quả chín tới giòn ngọt, không bị ra nước. Món ăn này được nhiều trẻ con, người già yêu thích bởi dễ ăn, lại đầy đủ dinh dưỡng.
Tùy theo khẩu vị và mùa mà linh hoạt thay đổi nguyên liệu rau củ quả phù hợp. Khi xào nhớ đảo nhanh trên lửa lớn để rau củ chín tới giữ được độ giòn ngọt tự nhiên mà không bị mất vitamin khi nhũn do xào lâu.