Ông nói: “Nếu các chính sách Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản thâm nhập và tác động nhanh đến các đối tượng trên thị trường thì đà phục hồi kỳ vọng sẽ diễn ra nhanh hơn”.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia - cũng nhận định từ quý IV/2023, những tín hiệu phục hồi của thị trường bất động sản sẽ xuất hiện rõ nét hơn.
“Vừa qua, các chính sách pháp lý liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua đã giúp hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa thị trường bất động sản vào giai đoạn mới", ông Lực cho hay.
Cuối năm 2023, thị trường bất động sản có thể hồi phục rõ nét.
Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý, chính sách gỡ vướng của Chính phủ khi đưa ra thị trường sẽ có độ trễ nhất định. Cần một khoảng thời gian để những chính sách có thể “ngấm” vào thị trường và phát huy tác dụng. Và cuối năm 2023 chính là thời điểm phù hợp để chính sách phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đón nhận nhiều tín hiệu sáng như lạm phát, tỷ giá và lãi suất đều được kiểm soát khá tốt. Những tín hiệu này sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) lại cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, lãi suất tiền gửi tăng cao đã thu hút mạnh dòng tiền vào kênh gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
Nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận mức lãi suất thấp hơn.
Ở kịch bản thứ hai, lãi suất huy động giảm xuống mức 6-7% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền có thể quay lại thị trường. Nhiều người sẽ tìm đến các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh này, nếu nhìn lại quá khứ, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó sẽ đến bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - nêu quan điểm: Hiện nay, thị trường đã không còn xu hướng giảm giá mạnh và có thể đi ngang. Nhờ những chính sách về tín dụng của Nhà nước, ưu đãi của doanh nghiệp nhiều người dân có nhu cầu đã rục rịch xuống tiền.
“Trong giai đoạn vừa qua, có không ít nhà đầu tư bị ngộp hàng, chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn. Có trường hợp cắt lỗ sâu nhưng vẫn không thể thoát hàng do thị trường bất động sản trầm lắng. Thực tế, phần lớn những người này thường dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ, hy vọng bất động sản tăng giá cao trong ngắn hạn.
Vì vậy, nhà đầu tư này thường phải chịu áp lực lớn về tín dụng. Ngoài ra, còn có những nhà đầu tư chưa có nhiều kiến thức, không tìm hiểu kỹ sản phẩm, sức khỏe tài chính của chủ đầu tư nên dẫn đến tình huống xấu” - ông Khánh nói.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, đối với tầm nhìn dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt, vì vậy, trong quý IV/2023, thị trường có thể sẽ hồi phục. Nhưng nhà đầu tư muốn “gia nhập” vào thị trường bất động sản cần lưu ý 3 đặc điểm chính: Đảm bảo về mặt pháp lý, tính khai thác cao, đem lại dòng tiền ổn định.
Nhìn chung, các nhận định của chuyên gia đều cho rằng quý IV/2023 là thời điểm lĩnh vực bất động sản sẽ bắt đầu chu trình mới với sự phục hồi dần dần ở một số phân khúc và thị trường chủ lực là các đô thị lớn. Nhưng thời điểm hiện tại, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tiếp tục “bắt mạch” thị trường, đưa ra những quyết sách chống khủng hoảng, nhằm duy trì hoạt động và chờ thời cơ đến, như: tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được khả năng kinh doanh; duy trì hệ thống điều hành trong điều kiện cắt giảm chi phí; giữ mối quan hệ với các chủ đầu tư, nguồn hàng; phát triển phân khúc hàng hóa mới để xử lý và cân đối dòng tiền..
(Nguồn: Vtc.vn)