Hang Câu là một điểm check in hấp dẫn du khách mỗi khi đến đảo Lý Sơn. Ngoài vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, khi đến hang Câu, khách du lịch được trải nghiệm các hoạt động thú vị như: Tắm biển, lặn ngắm san hô, câu cá, chèo thuyền kayak, cắm trại, teambuilding… Mùa mưa bão năm ngoái, những đợt sóng lớn gây xói lở, cuốn phăng lều trại, ki ốt dịch vụ tại đây. Những ngày này, chủ đầu tư phải thuê nhân công sửa sang lại các mô hình check in, trang trí, vệ sinh môi trường…
Các điểm du lịch trang trí lại chuẩn bị phục vụ khách
Lý Sơn đang vào mùa cao điểm du lịch
Ông Nguyễn Thanh Phong, chủ Khu du lịch, dịch vụ Hang Câu, huyện Lý Sơn cho rằng, để thu hút khách đến với Lý Sơn, quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ: “Điều căn bản là chất lượng dịch vụ của mình có ổn hay không để các đơn vị tự tin đưa đoàn về Lý Sơn. Mặt bằng giá hay trích phần trăm hoa hồng chỉ là rào cản nhỏ, không phải là lớn. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng dịch vụ như thế nào có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không.”
Huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 130 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng. So với mọi năm, thời điểm này lượng khách đến Lý Sơn giảm gần một nửa. Tuy nhiên, không vì thế mà chất lượng dịch vụ bị giảm sút. Nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ, homestay lo sửa sang phòng ốc phục vụ du khách. Bà Nguyễn Thị Tiên, chủ nhà nghỉ Tiên Tri, An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết:
“Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, nay chúng tôi đầu tư phòng ốc, trang trí lại cho sạch sẽ, đẹp mắt để thu hút khách du lịch. Chúng tôi cũng chạy quảng cáo trên mạng để mọi người biết đến Lý Sơn nhiều hơn.”
Lý Sơn hấp dẫn du khách bởi biển đảo hoang sơ, núi non hùng vỹ, khí hậu trong lành, nhiều di tích lịch sử gắn với truyền thống Hải đội hùng binh Hoàng Sa… Để giữ chân du khách, huyện đảo này còn thiếu nhiều yếu tố của một điểm đến. Du khách Nguyễn Thị Như Quỳnh từ tỉnh Thái Nguyên đến đây du lịch cho rằng: Ngoài các hoạt động tham quan ban ngày, dịch vụ về đêm ở Lý Sơn còn đơn điệu: “Đây là lần đầu tiên em đến với Lý Sơn. Cảnh đẹp ở Lý Sơn rất hoang sơ nhưng dịch vụ về đêm ở đây vẫn chưa được phong phú lắm. Em mong rằng Lý Sơn sẽ cải thiện nhiều dịch vụ về đêm hơn thì sẽ thu hút được nhiều du khách hơn".
Du lịch đang là lợi thế của huyện đảo Lý Sơn. Địa phương này đang tập trung khai thác phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, phục vụ du lịch, dịch vụ. Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thông tin việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. Theo đó, huyện Lý Sơn phấn đấu trở thành đô thị loại IV vào năm 2026. “Chúng tôi đang phối hợp với các sở ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi sẽ triển khai quy hoạch cụ thể, chi tiết từng phân khu, Lý Sơn đang ở phân khu số 5 của Khu kinh tế Dung Quất. Đây là điều kiện để chúng tôi thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch. Đây cũng là điều kiện sắp tới cho người dân Lý Sơn phát triển du lịch theo hướng thực chất, bài bản, quy mô, mang tầm cỡ hơn", bà nói.
Lý Sơn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ
Nghị quyết 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo quốc gia. Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, tỉnh đang nỗ lực, tạo điều kiện để Lý Sơn bứt phá trong tương lai: “Đây là tiền đề rất lớn, thuận lợi để chúng ta tiếp tục phát huy tiềm năng của Lý Sơn đúng theo định hướng. Chúng tôi cũng sẽ quyết tâm thực hiện sớm nhất để huyện Lý Sơn phát triển xứng đáng với tiềm năng và vị trí quan trọng. Đặc biệt về quốc phòng, an ninh, du lịch biển đảo của cả nước.”./.
Theo Vinh Thông/VOV-Miền Trung/15/3/2023
Link nguon: https://vov.vn/du-lich/ly-son-lam-moi-san-pham-du-lich-post1007404.vov