Khi dòng tiền đổ vào lĩnh vực địa ốc không đủ để tạo lực đẩy trên thị trường, tất yếu thanh khoản sẽ gặp khó, doanh nghiệp và nhà đầu tư lao đao. Năm 2022, câu chuyện khát vốn đã trở thành một chủ đề nóng được bàn thảo trên các diễn đàn, toạ đàm. Đó cũng được coi là nút thắt quan trọng tác động đến sự nóng, lạnh hay phát triển bình ổn của bất động sản.
Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định, điểm khó khăn chính của thị trường chính là vấn đề tín dụng và các kênh dẫn vốn cho bất động sản bên cạnh điểm nghẽn pháp lý.
Bước sang năm 2023, giới chuyên gia và đầu tư kỳ vọng về dòng vốn mới sẽ đổ bộ vào thị trường, giúp xoá đi gam màu trầm đang bao phủ.
Ông Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, năm 2023, triển vọng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc khả quan.
Đầu tiên, theo ông Chung, tín dụng tốt hơn 2022. Dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã có những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023. Quyết định mới nhất việc nới hạn mức (room) tín dụng thêm 1,5-2%, sẽ có 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm.
Thứ hai, ông Chung nhận định, trái phiếu sẽ dần phục hồi.
Thứ ba, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Thứ tư, nguồn vốn đầu tư công cam kết tăng mạnh. Theo ông Chung, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Áp lực lớn, nhưng nếu thực thi hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.
Thứ năm, vị chuyên gia này cho rằng, với các nguồn vốn khác về cơ bản, không có biến động mạnh và ở mức ổn định như năm 2022: Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn, phải điều chỉnh bị động năm 2022; các nhà đầu tư tiềm năng vẫn ổn định; kiều hối tiếp tục ổn định; các luồng tiền phái sinh tiếp tục xuất hiện, phục hồi cùng với đà phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Trong khi đó, ông Phan Việt Hoàng thẳng thắn cho rằng, trong thời điểm hiện tại và trong ngắn hạn cần có cách khơi thông dòng tiền vốn đang bị tắc nghẽn.
Vị này phân tích rõ: Một, cần tiếp tục thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều tỉnh thành trong cả nước kích thích cho dòng tiền được lưu thông.
Thứ hai, cần có sự đồng hành và chia sẻ của Ngân hàng nhà nước trong công tác cấp vốn và chỉ đạo điều hành trong hệ thống ngân hàng các ngân hàng thương mại cổ phần có sự đánh giá phân loại hồ sơ tín dụng khách quan hơn.
Theo ông Hoàng, phía phê duyệt hồ sơ không nên nhạy cảm quá đối với những hồ sơ liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt cần hỗ trợ và đảm bảo các khoản tín dụng dành cho người mua nhà để ở, mua căn nhà đầu tiên, nhất là phân khúc nhà ở xã hội cầm đảm bảo nguồn vốn và ổn định lãi suất dài hạn cho người dân. Siết tín dụng các khoản vay đầu cơ bất động sản bằng hình thức giải ngân tự sử dụng phương án vốn vay.
Thứ ba, phải thay đổi cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản, rút ngắn khoảng cách chênh lệnh dòng sản phẩm cao cấp - trung bình. Ông Hoàng nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh triển khai chương trình Một triệu căn nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp do Bộ xây dựng chủ trì đề án góp phần tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Trong dài hạn các doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản cần chủ động đa dạng nguồn vốn, đặc biệt mở rộng các kênh dẫn vốn như FDI , trái phiếu doanh nghiệp hay là trong dân trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhằm giảm phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng.