Những biệt thự cổ là một phần quan trọng làm nên giá trị Đà Lạt. Trong ảnh: cụm biệt thự Ana Mandara Villas Dalat được bảo tồn và phát triển thành điểm đến quốc tế - Ảnh: M.V
Nhìn xa để thấy đích đến cho Đà Lạt
Đường phố Đà Lạt tắc nghẽn trong những dịp lễ tết - Ảnh: M.V
Tạm quên đi những hệ lụy trong quá trình phát triển đô thị và những buồn vui trong hoạt động du lịch Đà Lạt. Tạm quên đi những ta thán của du khách về chất lượng, phong cách phục vụ, sản phẩm du lịch buồn tẻ; chưa quên nỗi lo sợ về tình trạng an nguy cho du khách trong các hoạt động trải nghiệm gần đây…
Còn đó những hoài nghi về tình trạng ùn tắc giao thông (từ ngoại ô đến trung tâm), ô nhiễm môi trường (rác thải và hồ, thác tự nhiên) tại các khu du lịch - thắng cảnh, nỗi ám ảnh trước nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất, viễn cảnh bê tông hóa và trang trại ni lông dày đặc, cùng với hiện tượng phá rừng và giảm thiểu khí hậu lạnh đặc trưng của Đà Lạt… làm buồn lòng những chuyến đi.
Với quan điểm tích cực, tư duy rộng mở, tôi bắt đầu từ mốc 130 năm hình thành và phát triển Đà Lạt (1893 - 2023), hướng đến những định hướng quy hoạch đã và đang kỳ vọng. Theo tôi, muốn phát triển du lịch Đà Lạt tương lai, cần có cách nhìn mới xa hơn, rộng hơn và đỉnh cao gắn với lộ trình và giải pháp phát triển Đà Lạt (về mọi mặt).
Đà Lạt - Lâm Đồng cùng với Tây Nguyên và cả nước đang có những chuyển động mới về tư duy chiến lược, mục tiêu quy hoạch và tính chất đô thị Đà Lạt, hướng đến mục tiêu cụ thể: Năm 2045, Đà Lạt trở thành một “đô thị du lịch quốc gia - đô thị có đặc trưng về di sản”
Do vậy, du lịch Đà Lạt tương lai cũng phải tích hợp được hai tiêu chí quan trọng, tương tác nhau là: phát triển du lịch tầm quốc gia, trên nền tảng các giá trị văn hóa - di sản đặc trưng của đô thị được bảo tồn, làm động lực cho phát triển kinh tế và du lịch.
Vậy, mấu chốt của vấn đề là: nhanh chóng xác định các giá trị văn hóa và di sản cho Đà Lạt, để tôn vinh, kế thừa và phát triển, kết tinh thành đô thị di sản - làm nền tảng, môi trường cho công cuộc phát triển du lịch Đà Lạt tầm quốc gia và đạt ngưỡng quốc tế.
Trông rộng để không mang tính cục bộ
Phát triển đô thị vệ tinh tương hỗ cho Đà Lạt được định hình qua nhiều giai đoạn.
Có lẽ, từ bây giờ, mỗi chúng ta nên làm quen với cách nghĩ mới: “Đà Lạt không phải của riêng Đà Lạt”. Nhìn lại lịch sử hình thành đô thị Đà Lạt - ngay từ ý tưởng đề xuất của bác sĩ Yersin với Toàn quyền Paul Doumer (từ năm 1896): Xây dựng Đà Lạt trở thành “thành phố nghỉ dưỡng” - trước hết cho người Pháp… Cũng có nghĩa là đô thị Đà Lạt đã có tính chất du lịch và quốc tế ngay từ trong mục tiêu và ý tưởng quy hoạch của chính quyền Pháp thuộc lúc bấy giờ.
Xuất phát từ đặc trưng bất biến của một vùng khí hậu vùng cao ôn đới trong một đất nước nhiệt đới, đồ án Quy hoạch chung 704 đã chọn ranh giới quy hoạch tổng thể Đà Lạt và vùng phụ cận, có cao trình cách mặt nước biển 850m trở lên, nhằm mục đích lan tỏa giá trị tương đồng về khí hậu, tạo nên sự khác biệt, độc đáo về nơi chốn “Đà Lạt và vùng phụ cận” (ảnh trên).
Đồng thời, do địa hình đặc thù, các giải pháp quy hoạch chung đã chọn cách gửi hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị cung cấp cho Đà Lạt tại các vùng bình nguyên nằm ngoài ranh giới hành chính của một đô thị. Đây cũng là đặc điểm khác biệt và sớm nhất trong phương pháp quy hoạch đô thị hiện đại, hoàn toàn có tính liên kết vùng (mà ngày nay các đô thị lớn trong nước bắt đầu áp dụng).
Từ hai đặc trưng - đặc điểm này, để thấy: (1) Nếu Đà Lạt không còn lạnh như trước thì phạm vi ranh giới và mục tiêu quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận không còn tác dụng. (2) Tính độc đáo của du lịch Đà Lạt là luôn gắn với vùng phụ cận bao quanh, vì nhiều cơ sở hạ tầng đô thị cung cấp cho Đà Lạt và phục vụ du lịch đều không phải của riêng Đà Lạt (như: sân bay Liên Khương, du lịch núi Lang Biang, uống ngụm nước sạch từ hồ Suối Vàng, thắp sáng dòng điện từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim…).
Không gian xanh, không khí lạnh là những đặc tính đô thị đã lưu dấu trong tiềm thức du khách - Ảnh: M.V
Lúc này, phát triển du lịch Đà Lạt cần nghĩ đến một vùng không gian lãnh thổ rộng lớn mang tính liên kết vùng (bằng cách hợp tác cùng các địa phương trong nước và nước ngoài), nhằm gắn kết sự đồng bộ, liên thông trong phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng kỹ thuật đô thị và khép tuyến hoạt động du lịch liên vùng…
Như vậy, càng không thể, và không nên, trói buộc tư duy trong cơ chế, thẩm quyền, trách nhiệm, phạm vi hành chính… của một chính quyền Đà Lạt và “của riêng Đà Lạt”. Nếu không nghĩ thế, e rằng thật khó để phát triển du lịch Đà Lạt đến năm 2045 như mục tiêu đề ra.
Bộ sưu tập “Những công trình có giá trị kiến trúc & di sản văn hóa thời Pháp thuộc” của Đà Lạt, cần được bảo tồn và phát triển để kiến tạo bản sắc của nơi chốn và điểm đến độc đáo, khác biệt trong hệ thống các thành phố du lịch quốc gia
Đỉnh cao và mục tiêu phát triển du lịch
Nhưng để có được một đô thị di sản là câu chuyện dài về bảo tồn và phát triển di sản - văn hóa trong đô thị, vì hiện nay vẫn còn có những quan điểm, cách làm khác nhau về nhận diện giá trị của bản sắc văn hóa trong kiến trúc giữa các nhà quản lý văn hóa và đô thị, giới chuyên gia (kiến trúc, đô thị, kinh tế và bảo tồn di sản…).
Nhưng, với sự quyết tâm cao trong việc lập hồ sơ trình xét công nhận là “đô thị / thành phố di sản” - theo tiêu chí UNESCO (trong năm 2025), chắc chắn tỉnh Lâm Đồng sẽ nhanh chóng có được những điểm tương đồng, chung nhất, tạo nguyên tắc cho nền tảng phát triển đô thị và du lịch Đà Lạt đạt tiêu chí Luật Di sản văn hóa của Việt Nam và đạt ngưỡng quy định của Công ước Di sản quốc tế.
Trong một cuộc thi chạy marathon quốc gia và quốc tế, nếu các vận động viên chỉ quen thuộc với tiêu chí địa phương, rất dễ chậm chân ngay từ chặng đua đầu tiên, thì kết quả về đích chắc chắn sẽ không như mong muốn và uổng công bao ngày tập luyện. Phát triển du lịch Đà Lạt tương lai cũng vậy!
Diễn đàn Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững nhận bài tới ngày 20-11-2023
Nhằm tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất thực tiễn có tác động đến cảnh quan, trật tự, cải thiện chất lượng du lịch và xây dựng lại tình cảm trong lòng du khách, UBND thành phố Đà Lạt sẵn lòng lắng nghe những chia sẻ của người dân, các cơ quan chức năng và các chuyên gia từ chuỗi hoạt động trong diễn đàn "Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững".
Báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được các bài viết và ý kiến đóng góp từ quý độc giả.
-
Thời gian: Từ tháng 10-2023 đến ngày 20-11-2023 (thay vì tới ngày 8-11 như kế hoạch ban đầu)
-
Thông tin đăng tải trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online
-
Lễ trao giải kết hợp hội thảo để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận…
HÌNH THỨC:
-
Bài viết tối đa 1.200 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng;
-
Bài thiết kế hình ảnh: từ 3 - 8 tấm, kèm chú thích;
-
Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (nếu là người nước ngoài);
-
Các bài, clip hiến kế sẽ được lựa chọn để đăng trên báo Tuổi Trẻ, diễn đàn… Các tác phẩm được chấm nhuận bút. Qua đó, ban tổ chức sẽ xét duyệt chấm giải và trao thưởng;
-
Bài dự thi, hiến kế chưa từng tham gia cuộc thi nào được tổ chức trước đây, không tham gia bất kỳ cuộc thi nào đang diễn ra, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội;
-
Người tham gia chịu trách nhiệm về bản quyền cũng như yêu cầu của ban tổ chức.
-
Bài dự thi gửi về địa chỉ email: hienkedulichdalatkhoinghiepxanh@tuoitre.com.vn".
-
Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:
Ban tổ chức sẽ lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu để xét chấm các ý kiến góp ý, hiến kế chất lượng, có tính góp ý xây dựng cho du lịch Đà Lạt trong tương lai. Qua đó sẽ xét giải cho các bài chất lượng:
-
1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
-
1 giải nhì trị giá 7 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
-
1 giải ba trị giá 5 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
-
10 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.
(Nguồn: Tuoitre.vn)