Một dự án bất động sản nhà ở của Eurowindow - Ảnh: EWH
Rất nhiều doanh nhân Việt gây dựng sự nghiệp tại các nước Đông Âu rồi trở về nước, trở thành các nhân vật tiếng tăm trên thương trường.
Một trong số các đại gia ấy có ông Nguyễn Cảnh Sơn - chủ tịch HĐQT Eurowindow Holding (EWH). Vị này cũng đang giữ chức phó chủ tịch Techcombank.
Lợi nhuận Eurowindow Holding đi xuống
EWH là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình holding, quản lý vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào các công ty thành viên, liên kết, hợp tác.
Được thành lập năm 2007, đến nay EWH hoạt động ở nhiều lĩnh vực, từ vật liệu xây dựng và nội thất đến bất động sản; xây dựng, tài chính - ngân hàng.
Tại Eurowindow Holding, ông Nguyễn Cảnh Sơn làm chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Cảnh Hồng - em ruột ông Sơn - là phó chủ tịch HĐQT; còn ông Nguyễn Cảnh Sơn Tùng - con ông Sơn - là thành viên HĐQT.
Không chỉ nổi bật ở kinh doanh sản xuất vật liệu, Eurowindow còn gắn với loạt dự án bất động sản nghìn tỉ như: Eurowindow River Park, Eurowindow Garden City, Eurowindow Twin Parks, khu đô thị Nghĩa Đô…
Công ty này cũng đầu tư nhiều dự án nghỉ dưỡng như: Movenpick Resort Cam Ranh, Radisson Blu Resort Cam Ranh…
Melinh Plaza Hà Nội, Vicentra Nghệ An, Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matxcơva, Eurowindow Office Building... đều là những dự án gắn liền với công ty nhà ông Nguyễn Cảnh Sơn.
Về tình hình kinh doanh, kết quả nửa đầu năm nay không mấy khả quan khi lợi nhuận sau thuế Eurowindow Holding sụt tới 55% so với cùng kỳ, chỉ còn 23,7 tỉ đồng.
Trong khi giai đoạn trước, từ năm 2020-2022, công ty đều có lợi nhuận sau thuế hàng trăm tỉ đồng.
Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) trong nửa đầu năm 2023 theo đó chỉ đạt 0,305% - thấp hơn cùng kỳ.
Tính đến tháng 6-2023, vốn của doanh nghiệp này đạt 7.834 tỉ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,75 lên 0,95 lần, tương ứng còn hơn 7.440 tỉ đồng.
Thành viên của EWH - Công ty CP đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang - cũng hé lộ kết quả kinh doanh không mấy tích cực khi báo lỗ 123 tỉ đồng nửa đầu năm này, cùng kỳ còn âm 290 tỉ đồng.
Sở hữu hệ thống doanh nghiệp chằng chịt cùng loạt dự án
Ông Nguyễn Cảnh Sơn cùng em trai Nguyễn Cảnh Hồng giữ vị trí chủ chốt tại loạt doanh nghiệp như: Công ty CP đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội - Matxcơva (Incentra), Công ty CP đầu tư Trung tâm thương mại Vinh, Công ty TNHH Đầu tư Incentra, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Eurowindow Light City...
Ông Nguyễn Cảnh Hồng cũng là một doanh nhân nổi tiếng, làm chủ tịch Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ cao (Hitech), Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị ven hồ và công viên Yên Sở...
Trong khi con trai ông Sơn - ông Nguyễn Cảnh Sơn Tùng cũng là thành viên HĐQT hoặc chủ tịch HĐQT của nhiều doanh nghiệp liên quan đến gia đình.
Như tại Công ty CP Eurofinance, ông Tùng giữ chức chủ tịch HĐQT.
Không chỉ sở hữu hệ thống doanh nghiệp chằng chịt cùng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ, nhà đại gia Đông Âu Nguyễn Cảnh Sơn còn có khối tài sản hàng nghìn tỉ đồng nhờ nắm giữ cổ phiếu ngân hàng.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của TCB cho biết ông Sơn - phó chủ tịch TCB - đang nắm giữ hơn 17,9 triệu cổ phần tại ngân hàng, tương đương 0,51% vốn.
Trong khi bà Nguyễn Phương Hoa - vợ ông Sơn - nắm hơn 75,9 triệu cổ phần (xấp xỉ 2,16% vốn). Còn ông Sơn Tùng giữ 21 triệu cổ phần, chiếm 0,59%.
Với thị giá hiện tại hơn 32.000 đồng/cp, gia đình ông Nguyễn Cảnh Sơn có khối tài sản hơn 3.600 tỉ đồng.
(Nguồn: Tuoitre.vn)