Trấn Thành: 'Tại sao tôi 36 tuổi mà mời vai 63 tuổi?'

Khi được hỏi lý do nhận vai bác Ba Phi - một ông già Nam Bộ trong 'Đất rừng phương Nam', Trấn Thành (36 tuổi) nhường cơ hội trả lời cho đạo diễn.
21/09/2023

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và dàn diễn viên đông đảo của phim "Đất rừng phương Nam" - Ảnh: T.T.D.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và dàn diễn viên đông đảo của phim "Đất rừng phương Nam" - Ảnh: T.T.D.

Chiều 20-9, buổi họp báo giới thiệu phim điện ảnh Đất rừng phương Nam diễn ra tại TP.HCM.

Sự kiện quy tụ đoàn làm phim gồm đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, các diễn viên Trấn Thành (đại diện đơn vị đồng sản xuất), Tuấn Trấn, Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật, Mai Tài Phến, Băng Di... và bé Hạo Khang trong vai chính - cậu bé An. 

Bên cạnh đó, sự kiện còn có giám đốc sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn, giám đốc hình ảnh Diệp Thế Vinh, biên kịch Trần Khánh Hoàng, giám đốc âm nhạc Đức Trí, cố vấn Nguyễn Vinh Sơn. Đây đều là tên tuổi lớn trong giới sản xuất phim Việt Nam.

Trong đó, cố vấn Nguyễn Vinh Sơn chính là đạo diễn của phim truyền hình Đất phương Nam.

Lý do Trấn Thành 36 tuổi đóng vai bác Ba Phi

Tuổi Trẻ Online hỏi diễn viên Trấn Thành về lý do anh 36 tuổi nhưng chọn đóng nhân vật bác Ba Phi - nhân vật dân gian và văn học, thường được cho là khá lớn tuổi. Khi đóng vai này trong bản truyền hình Đất phương Nam năm 1997, diễn viên Mạc Can hơn 50 tuổi.

Nam diễn viên nói: "Tôi xin nhờ anh Dũng, người đã mời tôi vô vai này và tôi cũng hỏi câu y như bạn: Sao em có 36 tuổi mà mời em vô vai 63 tuổi?".

Hình ảnh Trấn Thành trong vai bác Ba Phi của "Đất rừng phương Nam" - Ảnh: ĐPCC

Hình ảnh Trấn Thành trong vai bác Ba Phi của "Đất rừng phương Nam" - Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết khi casting phim Dạ cổ hoài lang ở Mỹ, phía phụ trách casting không ghi tuổi diễn viên vào hồ sơ. 

Họ cho rằng diễn viên hoàn toàn có thể đóng những vai khác độ tuổi. Và để diễn viên vào vai, phần hóa trang rất quan trọng.

Nguyễn Quang Dũng nói: "Nếu mọi người đọc tiểu thuyết gốc, đôi khi sẽ có tưởng tượng khác về bác Ba Phi trong Đất phương Nam của chú Nguyễn Vinh Sơn. Chẳng qua vì phim đó thành công quá nên mọi người cứ nhớ bác Ba Phi là chú Mạc Can.

Hồi xưa, tuổi tôi bây giờ chắc người ta gọi là ông rồi. Vì cứ tóc bạc tí xíu, có cháu là gọi bằng ông rồi. Tôi nghĩ bác Ba Phi thời đó mới 40 mấy, 50 tuổi thôi".

Quang Dũng cho rằng tinh thần của vai bác Ba Phi là hoạt ngôn, ẩn ý nên Trấn Thành là lựa chọn duy nhất của anh. Anh tin đoàn phim có đội ngũ hóa trang tốt để giúp nam diễn viên nhập vai tốt hơn.

Trấn Thành thừa nhận vai diễn là kinh điển, anh gặp áp lực tái hiện sao cho khán giả đón nhận. "Mỗi phiên bản sẽ có một bác Ba Phi khác nhau, tùy nội dung phim. 

Bác Ba Phi năm đó là dễ thương, hay nói dóc, kể chuyện vui cho mọi người nghe. Bác Ba Phi phiên bản điện ảnh có chút vai trò khác nữa, hy vọng được mọi người yêu thích" - anh nói.

Cố vấn Nguyễn Vinh Sơn - đạo diễn bản truyền hình - nêu ý kiến về việc khán giả sẽ so sánh hai phiên bản.

Ông mong mọi người tôn trọng sự khác biệt, đặc biệt là sự khác biệt rất lớn giữa phim truyền hình và phim điện ảnh. 

Truyền hình không thể có bối cảnh, kinh phí, dàn dựng lớn như điện ảnh, bên cạnh khác biệt lớn nhất về kể chuyện, xây dựng nhân vật, diễn biến, và cái nhìn mới sau hơn 25 năm (1997-2023).

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người thực hiện bản truyền hình Đất phương Nam, là cố vấn của phim điện ảnh này - Ảnh: T.T.D.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người thực hiện bản truyền hình Đất phương Nam, là cố vấn của phim điện ảnh này - Ảnh: T.T.D.

"Chúng ta không nên bắt người làm phim bây giờ phải nghĩ như thời trước. Ví dụ bác Ba Phi, ở thời tôi, bác Mạc Can là lựa chọn duy nhất, và may mắn là bác Can 50 tuổi. Chứ nếu khi đó có một người hài hước, duyên dáng như bác Can mà 40 tuổi thì tôi cũng chọn.

Khoảng cách 25 năm khiến chúng ta phải mở rộng tâm hồn ra để đón nhận cái mới. Chúng ta đã tạo ra tiền lệ không hay lắm là ở phim Em và Trịnh, chúng ta cứ so sánh Trịnh Công Sơn - Khánh Ly như một phim tiểu sử tài liệu".

Kinh phí có thể lên đến 100 tỉ đồng

Đất rừng phương Nam được quay ở 6 tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Phim có 41 diễn viên chính phụ, hơn 3.600 diễn viên quần chúng. Dự án mất 5 năm chuẩn bị, 50 ngày quay và 9 tháng hậu kỳ. Phim đầu tư 800 bộ trang phục, 6.000 đạo cụ, 110 xe cộ ghe xuồng, 60 thuyền gỗ...

Trấn Thành chia sẻ: "Nếu bàn về giá thì chắc phải lên đến trăm tỉ thì mới làm nổi. Chúng tôi không muốn bàn về con số, mà muốn làm một bộ phim vừa bán vé được, vừa làm cho mọi người yêu thích văn hóa, lịch sử Việt Nam, những câu chuyện về con người Việt Nam".

Từ trái sang: các diễn viên Mai Tài Phến, Tuấn Trần, Tiến Luật, Hồng Ánh - Ảnh: T.T.D.

Từ trái sang: các diễn viên Mai Tài Phến, Tuấn Trần, Tiến Luật, Hồng Ánh - Ảnh: T.T.D.

Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn trả lời Tuổi Trẻ Online về kinh phí phim: "Đúng như Trấn Thành nói, nói trắng ra thì ngân sách phim là tầm đó, nếu muốn sản xuất phim Đất rừng phương Nam với quy mô như thế.

Tôi cũng là người sản xuất phim Em và Trịnh. Khi quay xong ở Huế thì mình mới nghĩ: tại sao ông Trịnh Công Sơn không từ Huế đi vào Sài Gòn luôn, ông lên Đà Lạt làm chi để ê kíp phải kéo nhau lên đó quay, phát sinh thêm ngày quay, lịch sản xuất dài ra?

Ba diễn viên nhí (từ trái) Kỳ Phong, Bảo Ngọc và Hạo Khang lần lượt đóng vai Cò, Xinh, An - Ảnh: T.T.D.

Ba diễn viên nhí (từ trái) Kỳ Phong, Bảo Ngọc và Hạo Khang lần lượt đóng vai Cò, Xinh, An - Ảnh: T.T.D.

Với Đất rừng phương Nam cũng thế, tôi cũng áp biên kịch Trần Khánh Hoàng và anh Dũng cắt bớt, nhưng mọi người nói đây là phim hành trình tìm cha, An đi lang thang từ tỉnh này qua tỉnh kia, kéo 150 con người. Mỗi tỉnh chúng tôi chỉ ở 3 ngày quay xong lại đi.

Tiền sản xuất là khủng khiếp. Nếu chỉ tiền thôi thì con số có thể lên cả trăm tỉ, chứ không phải như con số hiện tại".

Đất rừng phương Nam ra rạp ngày 20-10.

(Nguồn: Tuoitre.vn)

 

..
Hỗ trợ trực tuyến
Top