Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: Bambooairways.com)
Nhân sự cấp cao biến động chóng mặt
Khởi đầu cho làn sóng biến động nhân sự cấp cao của Bamboo Airways là sự kiện cả 5 thành viên HĐQT gồm các ông: Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, Nguyễn Mạnh Quân có đơn xin từ nhiện trước thềm đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 21/6 vừa qua. Thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng đang là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.
Theo lý giải của ông Trọng, việc toàn bộ thành viên HĐQT xin từ nhiệm trước tháng 6 nằm trong quá trình tái cơ cấu với chiến lược mới của hãng.
Tiếp đó, ngày 21/6, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Him Lam đã công khai là nhà đầu tư mới của Bamboo Airways sau khi hãng này tách hoàn toàn ra khỏi FLC và đồng thời tại đại hội cũng bầu ra 7 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2023-2028. Danh sách bao gồm: ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Trần Hoà Bình, ông Oshima Hideki, ông Phan Đình Tuệ, bổ sung và thay thế cho các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã từ nhiệm.
HĐQT Bamboo Airways họp và thống nhất bầu ông Oshima Hideki làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực. Ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, các nhà đầu tư Nhật chính là những người đã cứu Japan Airlines từng lỗ 12 tỷ USD/năm. Sau 2 năm, Japan Airlines trở thành một trong những hãng bay hiệu quả hàng đầu thế giới. Ông Trọng kỳ vọng, chuyên gia Nhật Bản sẽ giúp Bamboo Airways thành lập các ủy ban chuyên môn, giúp hãng phát triển chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 tháng có dàn nhân sự mới, ngày 11/7, Bamboo Airways bất ngờ thông báo thay đổi nhân sự cấp cao. Đáng chú ý, HĐQT đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của 4 thành viên, gồm: Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Hideki Oshima; Phó chủ tịch thường trực HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng; 2 Phó chủ tịch HĐQT Bamboo Airways là ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ.
Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Minh Hải cũng từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Bamboo Airways sau chưa đầy 2 tháng ngồi "ghế nóng".
Sau đó, HĐQT Bamboo Airways cũng thông qua quyết định bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 thay thế các thành viên từ nhiệm. Theo đó, ông Lê Thái Sâm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT; ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT; ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT.
Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng kiêm đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Bamboo Airways thay thế ông Nguyễn Minh Hải.
Bamboo Airways đã trở thành hãng hàng không tư nhân trong nước đầu tiên khai thác máy bay thân rộng. (Ảnh minh họa)
Tái cơ cấu sau tin đồn phá sản
Trong Hội nghị sơ kết ngày 10/7, lãnh đạo hãng hàng không Vietnam Airlines thông tin: "Một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản".
Chiều 14/7, trên mạng xã hội lan truyền bản chụp trang cuối báo cáo có đóng dấu của phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Nội dung đáng chú ý nhất là phần đề xuất: "Với thực tế hiện nay, nhóm nhà đầu tư mới không còn nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ tái cơ cấu Bamboo Airways. Vì vậy hãng đang dự kiến thực hiện việc nộp hồ sơ xin phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bamboo Airways xin trân trọng cảm ơn và kính mong nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Thông tin này ngay lập tức khiến thị trường hoài nghi về một "vụ phá sản" có thể diễn ra của Bamboo Airways khi hãng này liên tiếp có những thay đổi nhân sự chủ chốt thời gian qua.
Tuy nhiên, sau đó ít ngày, Bamboo Airways đã phát đi thông tin khẳng định hãng vẫn hoạt động bình thường.
"Trong thời gian vừa qua, Bamboo Airways đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.
Đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực để tiếp tục phụng sự khách hàng, đem tới dịch vụ hàng không chất lượng cao, hiếu khách, tận tâm", thông báo của Bamboo Airways viết.
Những ngày gần đây, Bamboo Airways lại gây xôn xao dư luận khi nhiều đường bay bị hủy chuyến từ tháng 8 cùng nhiều chuyến bay phải thay đổi lịch trình.
Trong thư gửi các doanh nghiệp, đại lý, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết việc làm này nhằm mục đích tái cơ cấu, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của hãng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
"Những điều chỉnh tạm thời trên là một phần trong tiến trình tái cơ cấu tổng thể mà Bamboo Airways đã và đang quyết liệt thực hiện, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó phục vụ và chăm sóc tốt hơn cho hành khách và mạng lưới đối tác", đại diện Bamboo Airways trả lời.
Ngay sau khi khẳng định hãng đang hoạt động ổn định, ngày 31/7, Bamboo Airways đã lập tức công bố vừa khai thác thành công chuyến bay thẳng đầu tiên kết nối Hà Nội-Lệ Giang (Vân Nam, Trung Quốc) vào ngày 30/7 vừa qua.
Đại diện Bamboo Airways cho biết, hai chuyến bay khứ hồi kết nối sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và sân bay quốc tế Tam Nghĩa (Lệ Giang, Vân Nam) được khai thác bằng dòng máy bay Airbus A320NEO, phù hợp với nhu cầu di chuyển giữa các thành phố lớn ở Việt Nam với các thị trường trọng điểm ở châu Á.
Hiện nay, Bamboo Airways là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên và duy nhất khai thác các chuyến bay thuê chuyến từ Hà Nội đến Lệ Giang, với tần suất dự kiến 3 chuyến khứ hồi/tuần.
Thời gian bay khoảng hai giờ, rút ngắn đáng kể so với các hình thức di chuyển trước đây. Thông thường, hành khách mất từ 4 -16 giờ nếu bay nối chuyến, hoặc 16 giờ nếu di chuyển bằng đường bộ từ Hà Nội, Việt Nam để đến với "cổ trấn" này.
5 tháng đầu năm 2023 vẫn chưa dứt lỗ
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của Bamboo Airways cho biết, doanh thu thuần hơn 11.732 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021.
Trong khi đó, mức lỗ dù giảm về giá trị tuyệt đối so với năm 2021, song Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỷ đồng. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi những khó khăn đến từ thị trường Đông Bắc Á và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm cho giá nhiên liệu tăng vọt.
Tổng tài sản của Bamboo Airways tại ngày 31/12/2022 là 18.008 tỉ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với năm trước. Vốn chủ sở hữu âm 836 tỷ đồng, dù phần vốn góp của chủ sở hữu vẫn là 18.500 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Bamboo Airways thời điểm cuối năm 2022 ở mức 18.843 tỷ đồng; trong đó tổng nợ vay ở mức 10.623 tỷ đồng, tăng 5.830 tỷ đồng so với 2021, chủ yếu là tăng các khoản nợ vay ngắn hạn.
Bước sang năm 2023, tổng doanh thu thuần 5 tháng đầu năm của Bamboo Airways đạt bằng 51% tổng doanh thu năm 2022. Trong đó, tháng 1, Bamboo Airways đã đạt điểm hòa vốn nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là hàng không.
Tuy nhiên, lãnh đạo hãng này thời điểm tháng 6 cho biết, năm 2023, hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways dự kiến vẫn sẽ lỗ, dù mức lỗ được kỳ vọng sẽ giảm tương đối so với năm 2022.
Bamboo Airways cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2019 với tham vọng về một hãng hàng không 5 sao của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Hãng nhanh chóng mở rộng đội tàu bay, mạng đường bay, dịch vụ đi kèm và ngay trong năm đầu tiên hoạt động, Bamboo Airways đã trở thành hãng hàng không tư nhân trong nước đầu tiên khai thác máy bay thân rộng.
(Nguồn: Vtc.vn)