Ý nghĩa đầu tiên của “Một nửa” chính là tượng trưng cho lời hứa của Hương Giang với khán giả rằng “25 năm ca hát vừa qua của Hương Giang chỉ là một nửa. Tôi sẽ còn hát, còn phục vụ khán giả thêm 25 nữa mới tròn một đời âm nhạc”.
“Một nửa” cũng là sự ẩn dụ về vai trò của một người ca sĩ trong những đêm nhạc tại phòng trà. Ở nơi đó, ca sĩ chỉ là một nửa, một nửa còn lại chính là khán giả. Phải có đủ hai nửa đó thì không gian âm nhạc mới được thăng hoa.
Tìm được tên cho liveshow đã khó, biên tập được danh sách bài hát trong chương trình lại càng khó hơn. Cô tâm sự: “25 năm ca hát, tôi đã hát nhiều, thích cũng nhiều, nhưng không thể nào đưa hết vào chương trình được”.
Thông thường, cô không phải quá nhức đầu về việc chọn bài hát trước mỗi đêm biểu diễn. Nếu đó là chương trình tác giả tác phẩm, danh sách bài hát sẽ được rút gọn. Nếu đó là chương trình không có chủ đề gì, cô cứ bước lên sân khấu là sẽ được khán giả yêu cầu ca khúc họ muốn nghe.
Vì thế trước chương trình của riêng mình, cô cảm thấy bối rối vì không biết phải chọn bài nào đưa vào, chọn bài nào bỏ ra.
Nữ ca sĩ Hương Giang.
Đối với Hương Giang, thực hiện được liveshow “Một nửa” là một niềm hạnh phúc. Và còn hạnh phúc hơn nữa khi trong quá trình hiện thực hóa ước muốn này, cô đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần từ bạn bè, những người thương yêu chị những ngày đầu đi hát cho đến hiện giờ. Để đáp lại tất cả những tình cảm đó, giá vé của liveshow được cô bán tương đương giá vé ở phòng trà.
Trước thềm liveshow kỷ niệm 25 năm, nhìn lại chặng đường đã qua, cô nửa đùa nửa thật: “Tôi từng nói với Tổ nghề: Ngoài giọng hát và kỹ năng xử lý bài thì ông không cho con bất kỳ điều gì khác!”.
Cô tự cho rằng mình không nổi tiếng, cũng giống như rất nhiều ca sĩ hát tốt mà cũng không nổi tiếng. Tuy nhiên, chọn con đường trầm lắng hơn cũng có cái may mắn là từ trước đến nay cô chưa từng phải xin ai để được hát. Người ta hay nói là làm nghệ thuật bạc lắm, nhưng cô lại thấy niềm vui nhiều hơn và đến giờ vẫn sống tốt với nghề, được nhiều người yêu thương.
Trong buổi giới thiệu liveshow Một nửa, lần đầu tiên ca sĩ Hương Giang nói về những mất mát. Cô cho biết mình chọn cách đối diện, dần làm quen và không khơi thêm những niềm đau.
Khi ông xã qua đời, cô cũng tránh đọc những lời chia buồn và cũng không chọn cách tâm sự nỗi niềm của mình trước công chúng. Hơn ai hết, cô biết rằng thời điểm của đại dịch, mất mát của gia đình mình chưa phải là những điều kinh khủng nhất.
Năm 2021 mất chồng, 2022 mất chị, 2023 mất mẹ, những nỗi buồn ấy sẽ được Hương Giang đưa vào những bài hát trong liveshow, trong đó có một ca khúc về mẹ của nhạc sĩ Vũ Minh Đức.
Nữ ca sĩ Hương Giang (vợ cố ca sĩ Phi Hải) được khán giả mộ điệu ưu ái gọi là “sầu nữ phòng trà” vì ở tất cả các phòng trà tại TP.HCM đều có sự xuất hiện của cô. Cô sinh năm 1974, đi hát từ năm 22 tuổi.
Cô đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình tỉnh Đồng Nai, kế đến là giải ba Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1997. Tiếp đó, cô lọt vào chung kết xếp hạng Tiếng hát truyền hình toàn quốc và giành giải tư chung cuộc (đồng hạng với Hồ Quỳnh Hương).
Với chất giọng thổ pha kim, Hương Giang luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều phòng trà, tụ điểm ca nhạc tại TP.HCM. Năm 2003, cô ra CD đầu tay “Một ngày mới” với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt. Năm 2013, cô tham gia đĩa than "Lặng lẽ tiếng dương cầm" - tập hợp các tình khúc Nguyễn Ánh 9.
Giọng hát của Hương Giang được nhiều người trong giới chơi nhạc Hi-end yêu thích bởi âm sắc hợp với các đĩa than thể loại acoustic. Đây cũng chính là lý do năm 2022 vừa rồi, Gia Định Audio và nhạc sĩ Đức Trí đã chọn Hương Giang hợp tác thực hiện đĩa than “Một đời yêu anh” gồm 9 ca khúc: Hẹn hò (Phạm Duy), Biển nhớ, Tình sầu (Trịnh Công Sơn), Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương), Tiếng còi trong sương đêm (Lê Trực), Một đời yêu anh (Trần Thiện Thanh)...
(Nguồn: Vtc.vn)