Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 3/2023 của nước ta đạt gần 962 nghìn tấn, thu về gần 509 triệu USD, tăng đột biến 93,5% so với cùng tháng 3/2022 (đạt 263 triệu USD). So với tháng 2, xuất khẩu gạo tháng 3 tăng 79,9% về lượng và tăng 77,9% về giá trị.
Tính đến hết quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,85 triệu tấn gạo, đạt 981,4 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt xuất khẩu. Trong tháng 3, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 245,7 triệu USD, tăng đột biến 295% so với tháng 3/2022. Tính tổng cả quý I/2023, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 450,4 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 45,8% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua cũng đạt 109 triệu USD, tăng 118% so với tháng 3 năm 2022. Trong quý I/2023, xuất khẩu gạo sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này giúp nước ta thu về 199 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn thứ hai trong quý I/2023.
Malaysia đứng vị trí thứ 3 trong top các quốc gia nhập khẩu gạo Việt Nam tháng 3/2023. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 28,25 triệu USD, tăng 73% so với tháng 3/2022.
Việc Trung Quốc và Philippines ồ ạt mua gạo của Việt Nam trong tháng 3 vừa qua đã giúp ngành gạo xoay chuyển từ mức tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm sang tăng trưởng dương trong quý I/2023.
Trước đây lượng gạo xuất khẩu vào Trung Quốc đạt khoảng 2.5 – 3 triệu tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng xuất khẩu giảm xuống còn khoảng 1 triệu tấn, thậm chí có giai đoạn xuống còn 500 nghìn tấn. Từ cuối năm 2021 đến nay thị trường Trung Quốc ổn định hơn, do đó dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 vào thị trường này chắc chắn có thể đạt khoảng 1 triệu tấn. Trong đó, chủng loại gạo chủ yếu là gạo nếp và gạo thơm.
Xuất khẩu gạo được nhận định sẽ sôi động hơn trong những tháng tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch đông xuân, trong khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đang tăng lên.
Hồi tháng 3, Chính phủ Indonesia thông báo kế hoạch nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo nhằm đảm bảo nguồn lương thực dự trữ. Trước mắt, nước nay sẽ nhập khẩu 500 nghìn tấn từ các nước như Việt Nam, Thái Lan. Đây là cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
Trao đổi với Hiệp hội lương thực Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, hiện nay, sản xuất trong nước duy trì rất tốt, nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Với vấn đề thị trường, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo của họ thì đây là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu khác.
"Bên cạnh đó, việc các nước đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philipines cũng sẽ giúp cho chúng ta có thể đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, phấn đấu đạt lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn", ông Trần Thanh Hải cho hay,
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, mang về 3,45 tỷ USD. Xuất khẩu gạo năm 2023 dự kiến đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn nhưng trị giá thu về có thể lên tới 3,9 - 4 tỷ USD do các doanh nghiệp tăng xuất khẩu các chủng loại gạo thơm, chất lượng cao, giá cao.
Theo Khánh Vy/cafebiz.vn/12/4/2023
Link nguon: https://cafebiz.vn/xuat-khau-mot-mat-hang-chu-luc-cua-viet-nam-trong-thang-3-2023-tang-dot-bien-935-so-voi-2022-thu-ve-gan-509-trieu-usd-trung-quoc-va-philipines-o-at-mua-vao-176230412082859969.chn