Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023.
Cụ thể, nhờ thị trường hàng không phục hồi, ACV ghi nhận doanh thu đạt 4.728 tỷ đồng, tăng gấp 2,2, lần so với cùng kỳ năm 2022 và cũng là mức cao nhất có được trong một quý. Doanh thu cao cùng với giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ khiến lãi gộp công ty tăng gấp gần 5 lần lên 2.939 tỷ đồng.
Trong kỳ, ACV giải trình doanh thu hoạt động tài chính đạt 416 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với quý I năm ngoái do không phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá. Song khoản chi phí tài chính tăng đột biến từ 21 tỷ lên 793 tỷ do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá.
Quý này, ACV báo lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng gấp 2,6 lần lên 52 tỷ đồng nhờ hoạt động của các công ty ACV góp vốn đều tích cực.
Do hoạt động hàng không rục rịch tăng trở lại nên chi phí bán hàng của ACV tăng gấp 3,3 lần lên 87 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 2,8 lần lên 499 tỷ đồng do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và tăng theo doanh thu bán hàng.
Trừ đi các chi phí, ACV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.031 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.636 tỷ đồng, đều tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản của công ty đạt 59.986 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm. Lượng hàng tồn kho giảm còn 433 tỷ đồng.
Các khoản nợ của công ty giảm xuống 14.905 tỷ đồng trong khi vốn chú sở hữu tăng lên 45.081 tỷ đồng đã giúp tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đạt 33%, giảm 4% so với đầu năm.
Đến nay, ACV vẫn luôn nằm trong top 'đại gia' tiền mặt trên sàn chứng khoán cùng với HPG, PV GAS, Vingroup, BSR, Sabeco,… Tại thời điểm cuối quý I, ACV đang có khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi trị giá hơn 31.100 tỷ đồng.
Năm 2023, ACV nhận định tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; ngành hàng không có thời cơ, thuận lợi nhưng có cả khó khăn, thách thức. Công ty đặt mục tiêu 116 triệu khách, tăng 18% so với 2022; tổng sản lượng phục vụ hàng hóa đạt 1.634 nghìn tấn, tăng 18%; tổng doanh thu 18.414 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận trước thuế 8.448 tỷ đồng, tăng 11%.
Về kế hoạch đầu tư năm 2023, ACV xác định 2023 là năm bản lề trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm khi bắt đầu chuyển sang giai đoạn thi công đồng loạt. Công ty xác định tập trung triển khai khởi công đồng bộ phần thân nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Mới đây, do cần 39 tháng để xây dựng, chạy thử nhà ga hành khách sân bay Long Thành, ACV vừa đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án các công trình thiết yếu trong sân bay sang năm 2026 thay vì trong năm 2025.
Đồng thời, hoàn thành toàn bộ phần móng cọc, sàn đáy tầng hầm nhà ga trong quý 1/2023 để khởi công phần thân nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; hoàn thành xây dựng hạng mục đường Cất hạ cánh Cảng hàng không Điện Biên quý 4/2023; khởi công Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài…
Theo Nhuận Hoa/Nhịp sống thị trường
Link nguon:https://cafef.vn/dai-gia-san-bay-acv-bao-doanh-thu-cao-lich-su-loi-nhuan-gap-doi-cung-ky-so-huu-hon-31000-ty-tien-mat-188230505102018014.chn