Sáng 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Thay vì xếp hạng 63 tỉnh thành như mọi năm, PCI năm 2022 chỉ điểm danh 30 địa phương có điểm số PCI tốt nhất.
Lý giải về sự thay đổi này trong năm thứ 18, Nhóm nghiên cứu PCI cho rằng, là nhằm khuyến khích sự tập trung và nỗ lực thay đổi của các địa phương để vào nhóm dẫn đầu PCI. Tuy nhiên, các địa phương đều có kết quả chi tiết, gồm cả điểm PCI tổng hợp, điểm các chỉ số thành phần và kết quả từng chỉ tiêu đánh giá.
Khảo sát PCI 2022 đã nhận được phản hồi của tổng cộng của gần 12.000 doanh nghiệp.
Quán quân vẫn là Quảng Ninh
Năm 2022 là năm thứ 6 Quảng Ninh giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI với số điểm 72,95 điểm trên thang điểm 100, tiếp tục ghi điểm với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.
Sự thành công của Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh); việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Trong khảo sát PCI 2022, 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.
Đặc biệt, 78% doanh nghiệp đánh giá “giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” và 69% doanh nghiệp nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt”.
Tân Á quân lội ngược dòng ngoạn mục
Đây là lần đầu tiên Bắc Giang đoạt ngôi Á quân, sau khi cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Trong PCI 2022, Bắc Giang đạt 72,80 điểm trên thang điểm 100.
Các doanh nghiệp đã ghi điểm cho Bắc Giang nhờ các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Bắc Giang cũng ghi điểm ở chỉ số tính minh bạch và thiết chế pháp lý. 92% doanh nghiệp trong tỉnh cho biết cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp.
Hải Phòng giữ vị trí thứ 3
Vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng thuộc về Hải Phòng với điểm số 70,76. Doanh nghiệp tại Thành phố đánh giá cao việc chính quyền đã thành lập và đưa vào vận hành Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố và Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án phát triển du lịch, nhằm kịp thời tháo gỡ toàn diện, triệt để các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án của các nhà đầu tư.
Theo kết quả PCI 2022, 89% doanh nghiệp tại Thành phố Hải Phòng đánh giá “UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 92% doanh nghiệp cho biết “các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh.
Lần đầu tiên Bà Rịa - Vũng Tàu góp mặt trong top 5
Vị trí thứ 4 bảng xếp hạng PCI 2022 là Bà Rịa – Vũng Tàu với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011. Bà Rịa - Vũng Tàu được ghi nhận với nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao.
Mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn” của tỉnh đang được các doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Đơn cử, trong “Ngày thứ Năm không chờ”, các cơ quan, đơn vị sẽ chọn ra những thủ tục hành chính đơn giản để tập trung giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định pháp luật, nhờ đó giúp người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần làm thủ tục.
Hai đầu tàu kinh tế tụt hạng mạnh
Đứng vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Đồng Tháp là tên tuổi quen thuộc trong top 5 của PCI. Kể từ PCI 2007 đến nay, tỉnh đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”.
Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế (6), Bắc Ninh (7), Vĩnh Phúc (8), Đà Nẵng (9) và Long An (10). Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021.
Điểm đáng chú ý của PCI 2022 là việc tụt hạng của 3 thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, Cần Thơ tụt 5 bậc xuống vị trí thứ 19. Hà Nội tụt 10 bậc xuống vị trí thứ 20. Trong khi đó đầu tàu kinh tế Tp.HCM tụt 13 bậc, xuống vị trí số 27.
Với Hà Nội, chỉ số gia nhập thị trường hay tiếp cận đất đai đều ở vị trí khá thấp (đều ở ví trí 59). Hay như tính năng động của chính quyền tỉnh chỉ xếp hạng 53. Còn như Tp.HCM, chỉ số tiếp cận đất đai xếp thứ 54, còn chỉ số chi phí không chính thức ở vị trí 60, còn tính năng động của chính quyền ở vị trí 62…
Ở phía các địa phương có điểm thấp, Cao Bằng tiếp tục ở vị trí thấp nhất, đứng thứ 63 nếu xếp hạng, với 59,58 điểm; Điện Biên ở vị trí 62, với 59,85 điểm và Bạc Liêu đứng thứ 61, với 60,36 điểm. Điện Biên và Bạc Liêu trong PCI 2021 ở vị trí tương ứng là 53 và 55.
PCI là chỉ số đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, một địa phương được coi là chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Chính sách đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì
Theo nguoiduatin-11/4/2023
Link nguon: https://www.nguoiduatin.vn/pci-2022-quang-ninh-giu-ngoi-vuong-ha-noi-va-tphcm-khong-lot-top-10-a602371.html