Vốn hóa Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long bất ngờ vượt Vingroup
Phiên giao dịch ngày 23/1 , HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát tăng 0,18%, đạt 28.350 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ ba liên tiếp cổ phiếu này giữ vững sắc xanh.
Sự tăng giá liên tiếp của HPG trong những phiên gần đây đã đẩy giá trị vốn hóa của Hòa Phát lên mức 164.849 tỷ đồng. Con số này đã giúp Hòa Phát vượt qua Vingroup khi cổ phiếu VIC giảm 0,46% trong phiên giao dịch cùng ngày, vốn hóa còn gần 164.799 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá trị vốn hóa Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vượt Vingroup
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá trị vốn hóa Hòa Phát vượt Vingroup kể từ khi 2 doanh nghiệp này niêm yết năm 2007.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa cho biết quý 4/2023, HPG đạt kết quả kinh doanh tốt nhất cả năm.
Cụ thể, doanh thu của Tập đoàn ghi nhận đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ 2022 và 48 % so với quý trước.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu của Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.800 tỷ đồng, hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Doanh nghiệp của bố chồng Hà Tăng làm ăn ra sao?
Sasco vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần 694 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hoạt động tại các cửa hàng miễn thuế trong sân bay vẫn đóng góp nhiều nhất cho doanh thu với 265 tỷ đồng.
Trong quý IV/2023, Sasco cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 68% lên gần 73 tỷ đồng. Còn chi phí tài chính ở mức 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 17 tỷ đồng (đều liên quan đến lãi lỗ về tỷ giá).
Đáng chú ý, chi phí tăng cao khiến Sasco ghi nhận lãi sau thuế quý IV/2023 lùi mạnh 41% so với cùng kỳ, ở mức gần 53 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Sasco cho biết, lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn xấp xỉ 49 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lợi nhuận sản xuất kinh doanh kỳ này âm gần 18 tỷ đồng, giảm 144%, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi.
Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động tài chính đạt 62 tỷ đồng, tăng 3% là do nhận cổ tức, lợi nhuận được chia và chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ tăng. Mặt khác, lợi nhuận khác đạt 4 tỷ đồng, tăng 32% do trong kỳ thu nhập từ hỗ trợ bán hàng, khuyến mãi tăng (thu nhập liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh).
Thu hơn 1.600 tỷ đồng lãi ngân hàng, DN của đại gia Trương Gia Bình vẫn vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng
theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của CTCP FPT, quy mô tài sản tính tới hết năm 2023 của tập đoàn đạt 60.325 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của FPT là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với giá trị 24.403 tỷ đồng, giảm 2.367 tỷ đồng so với cuối quý III - cũng là thời điểm ghi nhận mốc cao kỷ lục của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp của đại gia Trương Gia Bình nhận hơn 1.600 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng
Với lượng tiền gửi dồi dào, năm qua, tập đoàn đã thu về 1.648 tỷ đồng lãi tiền gửi, cao hơn 22% so với năm 2022.
Dù nắm giữ lượng tiền gửi dồi dào top đầu trên sàn chứng khoán nhưng FPT vẫn vẫn vay nợ nhằm tối ưu lợi nhuận khi áp dụng nghiệp vụ đem gửi ngân hàng với lãi suất cao và đi vay với lãi suất thấp.
Tại ngày 31/12/2023, FPT có tổng dư nợ vay 14.046 tỷ đồng, giảm 26% sau một quý và chủ yếu là vay ngắn hạn với 13.838 tỷ.
Tổng chi phí lãi vay 4 quý của FPT là 833 tỷ, tăng 29% so với cùng kỳ 2022. Song khoản lãi vay này chỉ bằng gần một nửa khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp, tức tập đoàn lãi ròng từ nghiệp vụ tài chính này khoảng 815 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của nữ hoàng cá tra lỗ nặng vì đầu tư chứng khoán
kết quả kinh doanh năm 2023 của Vĩnh Hoàn cho thấy trong quý 4/2023, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 2.396 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mang về 195 tỷ đồng, giảm tới 59% so với cùng kỳ, nguyên nhân do giá vốn tăng cao hơn 10% so với năm ngoái.
Doanh thu tài chính sụt giảm 20%, chỉ còn 74 tỷ đồng. Bù lại, chi phí tài chính cũng giảm 66%, xuống chỉ còn 37 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận lần lượt 63 tỷ và 85 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mang về 66 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế doanh thu cả năm 2023, VHC đạt 10.039 tỷ đồng, giảm 24%. Lợi nhuận gộp đạt 1.445 tỷ đồng, biên lãi gộp 14% tương ứng đã giảm 22% so với năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 897 tỷ đồng, giảm 55%.
Hoạt động kinh doanh thủy sản giảm sút là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vĩnh Hoàn sụt giảm đáng kể trong năm. Bên cạnh đó, công ty cũng đang phải chịu thua lỗ từ hoạt động đầu tư chứng khoán.
VHC đang đầu tư chứng khoán với khoản lỗ hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, VHC đầu tư 181,2 tỷ đồng. Hiện tại khoản đầu tư chứng khoán đang ghi nhận giá trị tạm tính 142,3 tỷ đồng, tương đương lỗ gần 39 tỷ đồng.
Mặc dù khoản lỗ đã giảm hơn so với ghi nhận 45 tỷ đồng tại cuối quý 3 nhưng vẫn đang ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của VHC.