Có rất nhiều người uống cà phê.
Cũng có nhiều người không uống cà phê.
Nhưng ai cũng biết, cà phê của Việt Nam rất nổi tiếng.
Nước ta hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Nổi tiếng trên trường quốc tế, bên cạnh quy mô xuất khẩu và câu chuyện văn hóa cà phê, cà phê Việt Nam nổi bật với chất lượng cao.
Mang theo hương vị của đất, nắng và gió của vùng nhiệt đới gió mùa, vị đắng và thơm đặc biệt nhiều caffein nguyên chất. Cà phê Việt ngày càng khẳng định vị thế của mình trong top những thức uống tuyệt vời nhất thế giới mặc dù cây cà phê đầu tiên không phải xuất hiện ở Việt Nam.
Có lẽ không ai biết được cà phê chính xác có từ bao giờ nhưng xoay quanh câu chuyện nguồn gốc của cà phê xuất hiện rất nhiều truyền thuyết, trong đó được biết đến nhiều nhất là từ những chú dê.
Sự "phấn khích" của những chú dê vùng Ethiopia
Người ta tin rằng vùng đất khởi nguyên của cà phê là tỉnh Kaffa của Ethiopia. Khi ấy, những người chăn dê phát hiện ra đàn dê của mình sau khi ăn loại quả mọng có màu đỏ xanh đã chạy nhảy không biết mệt cho đến tận khuya. Họ bèn mang chuyện này kể với các thầy tu gần đó. Các thầy tu cũng đã dùng nước ép từ loại quả đó và họ trở nên tỉnh táo, cầu nguyện và trò chuyện đến tận đêm khuya mà không mệt mỏi. Sự phát hiện của những chú dê về loại quả mọng tràn đầy năng lượng ấy bắt đầu lan rộng. Tin tức ấy đi về phía đông và ghé thăm Ả Rập. Từ ấy, nó bắt đầu hành trình đi khắp thế giới.
Các tài liệu cho rằng, đến giữa thế kỷ 15 người ta mới biết rang hạt cà phê lên và sử dụng nó làm đồ uống. Người Ethiopia cũng có cách thức pha chế cà phê cổ xưa nhất. Hạt cà phê sau khi cho vào chảo sắt to và rang lên thì được nghiền vụn ra, tiếp đó cho vào cối giã. Sau cùng, trộn chúng với đường và một lượng nước nhất định trong bình jebena (bình cổ thon có quai), đun lên và đổ ra bát.
Sau khi cây cà phê được trồng ở Ả Rập vào thế kỷ 15, đến thế kỷ 16, cà phê được trồng rộng rãi ở Ba Tư, Ai Cập, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với sự lan rộng mạnh mẽ của cà phê, ở Ả Rập chúng được gọi với cái tên "rượu của Ả Rập" thì khi đến châu Âu chúng được gọi là "phát minh cay đắng của Sa-tan" vì màu đen sẫm khác thường của loại đồ uống này.
Bất chấp những tranh cãi, cà phê dần được lòng người dân lúc bấy giờ. Họ bắt đầu dùng cà phê thay thế cho rượu để bắt đầu ngày mới tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Thế kỷ 17, cây cà phê "di cư" đến châu Mỹ, sự nổi tiếng của chúng ở đây thật đáng kinh ngạc. Cây cà phê được trồng trên toàn thế giới, không ngừng nảy nở trên những vùng đất mới. Các đồn điền cà phê được lập nên trong các khu rừng nhiệt đới tráng lệ và trên các cao nguyên hiểm trở.
Cây cà phê là một trong những cây xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất thế giới.
Cà phê ở xuất hiện ở nước ta khi người Pháp mang đến miền Bắc vào năm 1888. Khi ấy, cà phê Arabica (cà phê chè) được trồng nhiều ở ven sông. Sau này, canh tác cà phê lan dần xuống phía nam. Hiện nay, nước ta có 3 loại cà phê chính, là Arabica (cà phê chè), Robusta (cà phê vối) và Liberia (cà phê mít).
Các loại cà phê phổ biến hiện nay
Cà phê Arabica
Cà phê Arabica có nguồn gốc từ những cây cà phê khởi nguồn từ Ethiopia. Giống cà phê ấy tạo ra loại cà phê thơm, ngon và chiếm đến 70% sản lượng cà phê trên thế giới. Xét về ngoại hình, hạt cà phê Arabica phẳng và dài hơn hạt Robusta, chúng cũng chứa hàm lượng caffein thấp hơn.
Hàm lượng caffein vừa phải, từ 1,2-1,5%, tầng hương phức tạp, có đắng nhẹ, có chua thanh, thoang thoảng hương caramel quyến rũ.
Cà phê Arabica được trồng ở độ cao từ 610-1830m so với mực nước biển sẽ cho chất lượng thơm ngon hơn, kết hợp với nhiệt độ ôn hòa và không có sương giá dày đặc. Chúng cũng dễ bị bệnh hơn Robusta nên cần được chăm sóc kỹ càng hơn. Đây cũng là một trong những lý do trên các cao nguyên trồng cà phê của nước ta luôn trồng được loại cà phê thượng hạng.
Cà phê Robusta
Phần lớn loại cà phê này được trồng ở Trung và Tây Phi, một phần Đông Nam Á, Indonesia, Việt Nam và Brazil. Mặc dù chỉ chiếm 30% thị phần thế giới nhưng nhu cầu sản xuất Robusta ngày càng tăng lên một phần vì chúng rẻ. Robusta được sử dụng trong sản xuất cà phê trộn và cà phê hòa tan.
Về ngoại hình, hạt cà phê Robusta tròn và nhỏ hơn hạt Arabica, giữa hạt thường có đường thẳng. Loại cà phê Vối tại Việt Nam này được người Pháp mang đến trồng ở nước ta từ năm 1908. So với Arabica, cà phê Robusta có khả năng chịu sâu bệnh tốt hơn và cho năng suất cao hơn.
Mùi vị của cà phê vối khá mạnh, đậm đà, mùi thơm đặc trưng với lượng caffein từ 2-2,5%.
Cà phê mít (Liberia) tại nước ta trồng ở nhiều ở Tây Nguyên tuy nhiên năng suất kém, có vị chua nhiều nên không được ưa chuộng lắm. Loại cà phê này thường hợp gu với người châu Âu, cà phê mít cũng được hòa trộn với cà phê vối, cà phê chè khi rang xay để tạo hương vị các loại cà phê hòa tan theo gu của người châu Âu.
Ngoài ra, ở nước ta còn trồng một số loại cà phê khác như cà phê cu li (quả chỉ cho một hạt, vị đắng gắt, màu đen sánh và hàm lượng caffein cao), cà phê moka (1 dòng thuộc Arabica, chúng có giá trị cao hơn loại khác bởi hạt to và đẹp, hương thơm đặc biệt, sang trọng, vị chua thanh thoát, tinh tế).
Để hiểu thêm về các loại cà phê, người ta còn chia theo cách chế biến, cách rang và cách xay. Chế biến có phơi khô tự nhiên (phơi nguyên quả), chế biến ướt, chế biến mật ong. Đối với rang cà phê, rang bằng lò than hoặc điện, rang một phần hoặc rang toàn phần. Đâu chỉ vậy, cà phê cũng được phân biệt theo cách xay: xay mịn hoặc xay to theo cách pha.
Thưởng thức cà phê thế nào mới "chill"?
Chuyện thưởng thức cà phê rất đa dạng, nghĩa là tùy thuộc nền văn hóa và khẩu vị của từng người. Nói như vậy nhưng cách thưởng thức đều dựa trên cách thức nước được đưa vào cà phê. Chẳng hạn như sắc (đun sôi) - nổi tiếng là cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan. Cách thưởng thức này là cà phê xay mịn cùng đường và nước rồi cho vào ấm mỏng có hình chóp và đun sôi.
Nhiều nơi cũng thịnh hành với kiểu pha lạnh (cold brew). Ở các nước như Đức, Mỹ, Thụy Sĩ, người ta pha cà phê kiểu cho nước sôi chảy qua một cái phễu lọc chứa bột cà phê. Ở Ý, người ta chuộng pha cà phê bằng dụng cụ thủ công như ấm moka pot hoặc cà phê espresso pha bằng máy (cho nước nóng ép dưới áp suất cao chảy qua cà phê xay cực mịn). Đơn giản nhất là cà phê hòa tan, chỉ cần đổ nước nóng vào khuấy đều là thưởng thức được rồi.
Cà phê len lỏi vào mọi hoạt động của người Việt. Đi cà phê gặp gỡ, đến quán cà phê đọc sách, hẹn khách hàng ngoài tiệm cà phê,… Dường như đi uống cà phê luôn là một điều gì đó giúp người ta cảm thấy thoải mái và kết nối với nhau tốt hơn.
Muôn hình muôn vẻ
Ở Ý, người ta uống cappuccino (ba phần espresso, sữa nóng, sữa đánh bông theo tỉ lệ 1:1:1, thêm bột ca cao hoặc bột quế), espresso (cà phê đặc không sữa không đường, cho nước dưới áp sất cao đi qua bột cà phê xay mịn) hoặc Lungo (espresso với lượng nước gấp đôi).
Ở Đức, những người mê cà phê có thể dùng eiskaffe (cà phê nguội thêm kem vani), milchkaffee (cà phê pha qua giấy lọc, một nửa sữa, một nửa cà phê),...
Một số loại cà phê hòa tan ở Việt Nam như cà phê hòa tan G7, Nescafe', Vinacafe,...
Cà phê Việt không chỉ được biết đến bởi hương vị độc đáo mà chúng còn rất linh hoạt, được sử dụng để pha chế nhiều loại cà phê khác nhau. Ngoài kết hợp với sữa và đường, du khách trong nước và khắp nơi trên thế giới còn biết đến cà phê muối, cà phê trứng, cà phê cốt dừa, cà phê sữa chua,...
Theo CNN, cà phê với người Việt Nam không chỉ là đồ uống gần gũi, quen thuộc mà nó còn là văn hóa và cuộc sống. Cà phê Việt xuất hiện khắp mọi nơi, từ gánh hàng rong vỉa hè, những chiếc xe máy chở thùng đi khắp các phố cho đến những tiệm cà phê sang trọng, đẹp đẽ. Hương vị cà phê “lắc mình” đầy vi diệu, thỏa mãn khao khát của kẻ đang thèm một thức uống ngon.
Thưởng thức cà phê ở Việt Nam
Cà phê đen nóng: Phần lớn người thưởng thức cà phê ở Việt Nam đều dùng phin, cho bột cà phê xay vào phin, nén nhẹ sau đó cho nước nóng dưới 95 độ vào để không làm gắt mùi cà phê. Đợi cà phê rỉ qua phin. Nhiều người thêm đường hoặc không.
Cà phê sữa: Cũng giống cách pha cà phê đen nóng, nhưng dưới đáy cốc có để sẵn sữa đặc, nhiều hoặc ít tùy thuộc vào khẩu vị của người uống. Nhiều người thích uống cà phê đen và cà phê sữa vào buổi sáng trong ngày hoặc trước bữa ăn. Thậm chí họ còn uống cà phê thay cho bữa sáng.
Cà phê sữa đá: Cũng giống như cách pha cà phê sữa nóng, nhưng bột cà phê nhiều hơn và thêm đá lạnh. Còn việc thêm đường hoặc sữa hay không thì tùy sở thích mỗi người.
Cà phê sữa đá chính là "đặc sản" của Việt Nam. Theo chuyên trang ẩm thực Taste Atlas, cà phê sữa đá của Việt Nam xếp thứ hai trong số 10 loại cà phê ngon nhất thế giới.
Bạc xỉu: Bạc xỉu thực chất là cà phê sữa tuy nhiên phần sữa nhiều lên và phần cà phê ít hơn, hợp với người thích cảm giác nhẹ, không quá nhiều caffein. Sữa cũng được linh hoạt thay bằng sữa tươi hoặc sữa đặc.
Cà phê trứng: Cà phê trứng là một cách thưởng thức biến tấu đặc trưng của người Việt. Có hai cách thưởng thức như sau. Cách thứ nhất đập trứng sống vào cà phê nóng, thêm chút đường, có hoặc không có sữa. Cách thứ hai là lòng đỏ trứng được đánh bông thành kem, phía dưới có cà phê đen.
Cà phê muối: Ở xứ Huế, nổi tiếng với cách thưởng thức cà phê muối. Cho lượng muối nhất định vào giúp dậy mùi cà phê hơn, hương vị khá lạ.
Đâu chỉ là thức uống?
Cà phê vốn là thức uống "quốc dân" của người Việt. Tuy nhiên, trong ẩm thực, cà phê phát huy được sứ mệnh của mình nhiều hơn. Chẳng hạn, chúng tham gia vào quá trình ướp thực phẩm, làm bánh,... Đối với chị em làm đẹp, màu tự nhiên của cà phê còn có thể nhuộm tóc, tham gia vào quá trình tẩy tế bào chết cho da,...
Rất nhiều các công thức bánh được sử dụng cà phê làm cân bằng vị bánh không quá ngọt, thơm ngon, quyến rũ.
Còn bạn, đã đọc tới đây, hẳn cũng là một người quan tâm và yêu thích thứ đồ uống dù bình dân những cũng hết sức "sang chảnh" này. Hi vọng bài viết đã mang đến cho bạn thêm chút hiểu biết, để càng thêm yêu và tự hào về hương vị đặc biệt khó quên của cà phê nói chung và cà phê Việt nói riêng nhé!
Theo ttvn.vn-8/3/2023
Link nguon: https://ttvn.toquoc.vn/ca-phe-thu-do-uong-voi-lich-su-lau-doi-va-nhung-bien-tau-mang-day-hoi-tho-cuoc-song-o-viet-nam-2023030700582851.htm