Bên cạnh những thành quả tích cực, thương mại điện tử cũng gặp phải nhiều thách thức và rủi ro như nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng sản phẩm hàng hóa kém so với quảng cáo, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân bị xâm phạm, hạ tầng logistics TMĐT chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của thị trường khiến niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến chưa cao…
Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn làm giảm cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa tổ chức Hội nghị “Phát triển thương mại điện tử bền vững”
Phát biểu tại Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đề nghị các giải pháp trong đó nhấn mạnh, cần tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử, giúp cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững.
Thứ trưởng cho rằng nhà nước và doanh nghiệp cùng đề xuất các các giải pháp ứng dụng công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái phát triển thương mại điện tử
Bà Lê Hoàng Oanh. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong 10 năm qua, mặc dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển rất nhanh về lượng, nhưng lý do lớn nhất mà người tiêu dùng vẫn coi là trở ngại khi mua hàng trực tuyến vẫn là “Chất lượng kém so với quảng cáo”, “Không tin tưởng đơn vị bán hàng”, “Khó kiểm định chất lượng hàng hoá”.
Từ góc độ đó cơ quan quản lý nhà nước tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử, bằng cách hoàn thiện pháp luật, quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường mạng.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và tạo ra các kênh tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tranh chấp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng, bảo vệ người tiều dùng trước, trong và sau khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, bằng cách đảm bảo chất lượng hàng hóa, uy tín của nhà bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, chính sách bảo hành, đổi trả, hoàn tiền.
Ngay tại Hội nghị, cơ quan quản lý và các sàn thương mại điện tử, trung gian thanh toán, ngân hàng đã cùng chung tay ký kết hợp tác, tham gia hệ sinh thái số, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Từ sự tham gia đồng lòng này của các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời cùng nhau triển khai nhiều giải pháp cam kết về chất lượng hàng hóa để mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, TikTok luôn quản lý, kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin đăng tải từ người dùng, phát hiện và xử lý nghiêm các vấn đề sai phạm, thông tin không chính xác sẽ bị cảnh báo, tháo gỡ, xóa nội dung thông tin, thậm chí sẽ xóa tài khoản vĩnh viễn.
Đồng thời, TikTok cũng hỗ trợ đảm bảo mọi quyền lợi được công bằng cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng, đồng thời đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khi tham gia vào sàn TikTok.
nguồn: thuonggiathitruong.vn/