Những khoản lỗ “đau”
CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (NOS) hiện đang là công ty báo lỗ lớn nhất trong quý 4/2023 với lợi nhuận âm 122 tỷ đồng. Thực tế, doanh nghiệp này đã liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 12 năm kể từ năm 2011 đến nay. Tại ngày 31/12/2023, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên đến 5.062 tỷ đồng. Vốn điều lệ chỉ ở mức 200,5 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 4.803 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn của doanh nghiệp được tài trợ bằng nợ vay.
Nước Giải khát Chương Dương (SCD) có khoản lỗ trước thuế hơn 40 tỷ đồng. Trong quý 4/2023, doanh thu 39,4 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2023, Nước giải khát Chương Dương ghi nhận 126 tỷ đồng doanh thu, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ 119 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 49 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp công ty này báo lỗ và cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Nước Giải khát Chương Dương báo lỗ và cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.
CTCP Quốc tế Hoàng Gia (UPCoM: RIC) tiếp tục kinh doanh chật vật trong quý 4/2023 với lỗ ròng hơn 18 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 17 liên tiếp, tương ứng lần gần nhất giới đầu tư nhìn thấy RIC có lãi đã từ quý 3/2019.
BOT Cầu Thái Hà (BOT) báo lỗ 19 tỷ đồng trong quý 4/2023. Đây đã quý thứ 8 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.
Nhiệt điện Hải Phòng (HND) báo lỗ sau thuế 115,3 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước công ty này này cũng lỗ hơn 32,5 tỷ đồng.
Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) gây bất ngờ khi báo lỗ 7 tỷ đồng trong quý 4/2023. Đây cũng là quý đầu tiên công ty này ghi nhận lợi nhuận âm trong năm 2023.
Ngân Hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển PGBank (PGB) lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý 4/2023. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này báo lỗ trong một quý.
CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, HNR) vừa công bố BCTC quý 4 năm nay với lợi nhuận trước thuế lỗ 4 tỷ, tiếp tục kéo dài chuỗi lỗ của công ty lên 27 quý lỗ liên tiếp, kể từ quý 2/2017. Lũy kế cả năm, Halico lỗ 10 tỷ đồng.
CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) ghi nhận LNTT quý 4/2023 lỗ 1,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 79 triệu. Lũy kế cả năm, HAD lãi 8 tỷ, giảm 43%.
CTCP Thủy điện Buôn Đôn (UPCoM: BSA) đạt 110 tỷ đồng doanh thu trong quý 4/2023, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, BSA đạt doanh thu thuần 344 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước; lãi sau thuế 52 tỷ đồng, thấp hơn 66%.
CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (Mã DIC - UPCoM) ghi nhận doanh thu 164 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 16,2 tỷ trong quý 4/2023. Như vậy, sau quý lãi 27,2 tỷ đồng ngay trước đó, DIC một lần nữa báo lỗ trở lại (quý lỗ thứ 6/7 quý gần nhất).
CTCP Ô tô Giải Phóng (Mã GGG - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với khoản lỗ sau thuế 4,5 tỷ đồng qua đó nâng mức lỗ cả năm lên 15,4 tỷ. Trong cùng thời điểm, công ty đạt doanh thu lần lượt 1,6 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng. Tạm tính, đây đã là năm thua lỗ thứ 12 liên tiếp của GGG kể từ 2011.
Các doanh nghiệp xi măng cũng “đua nhau” báo lỗ:
CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán BTS) báo lỗ sau thuế hơn 32 tỷ đồng quý 4/2023, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý thứ 5 liên tiếp Vicem Bút Sơn kinh doanh thua lỗ, tính từ quý 4/2022.
CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (mã chứng khoán HVX) báo cáo quý 4/2023 bị thua lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 250 triệu đồng.
CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (mã chứng khoán HOM) đạt doanh thu trong quý 4/2023 với mức 469 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 6 tỷ đồng.
Doanh nghiệp "họ" xi măng lỗ nặng
Công ty CP Chứng khoán phố Wall báo lỗ 14,8 tỷ đồng quý 4/2023 trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 2,8 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS) báo lỗ trước thuế quý 4/2023 hơn 1,4 tỷ đồng, tích cực hơn đôi chút so với khoản lỗ hơn 4 tỷ cùng kỳ năm 2022.
CTCP Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI, mã: VUA) có doanh thu hoạt động quý 4/2023 đạt 4,4 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước, lỗ 1,5 tỷ đồng. Như vậy, ngoài quý III/2023 có lãi không đáng kể, SBSI đã lỗ cả 3 quý còn lại.
Đâu là “tội đồ” gây nên những khoản lỗ nặng?
Có thể thấy, quý 4/2023 là một quý kinh doanh khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Kể cả những nhóm ngành có nhiều khởi sắc như ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp vẫn có nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Bên cạnh các doanh nghiệp báo giảm lợi nhuận do không còn những khoản thu nhập đột biến, bất thường như cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính suy giảm mạnh tại nhiều doanh nghiệp trong mùa báo cáo tài chính quý 4/2023 phản ánh thực tế bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn với sức cầu tiêu thụ yếu tại cả thị trường trong nước và xuất khẩu, biến động bất thường của nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất…
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng bức tranh lợi nhuận năm 2023 kém sắc là điều không bất ngờ. Nhiều công ty gặp phải vấn đề lớn nhất là mức tiêu dùng trong nước thu hẹp rất mạnh, cao hơn cả dự báo. Dù vậy, ông nhận định sang năm mới 2024, tình hình kinh doanh sẽ sáng hơn. Các động lực tăng trưởng trở lại bao gồm đơn hàng xuất khẩu dần được cải thiện và có thể thấy rõ ràng trong quý 2/2024.
Kế đến là việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Điều cuối cùng là các chính sách sắp xếp, hỗ trợ lại thị trường bất động sản, gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án cũng sẽ hỗ trợ thị trường từng bước hồi phục. "Lĩnh vực phục hồi sớm hơn sẽ là ngành tiêu dùng, xuất khẩu. Riêng bất động sản còn phải theo dõi và sẽ hồi phục chậm hơn", TS Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối đầu tư chứng khoán - Công ty quản lý quỹ Vinacapital, kỳ vọng kinh tế năm nay được phục hồi, lạm phát tiếp tục ổn định và lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ là động lực lớn cho nền kinh tế. Trong đó, các ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán, hàng tiêu dùng và NH sẽ là những ngành có mức tăng trưởng hấp dẫn nhất.