Ở An Giang có loại bánh lạ gần như thất truyền, chỉ còn lại 1 nơi bán, ăn vào mát như thạch sương sa

Tuy có nguyên liệu lạ, cách làm kì công và có mặt ở An Giang hàng chục năm về trước nhưng không phải ai cũng biết đến loại bánh này.
21/02/2023

Miền Tây vốn nổi tiếng với những loại bánh độc đáo, có hương vị đặc biệt mà không dễ tìm thấy ở bất kì nơi nào. Trong số đó, ẩm thực An Giang cũng là 1 ẩn số thú vị. Bởi những món bánh nơi đây không chỉ sử dụng nguyên liệu độc lạ mà ngay cả cái tên cũng khiến nhiều người phải tò mò khi nghe qua.

 

Nếu bánh Chăm, bánh bò thốt nốt, bánh hẹ Tân Châu,... đã được nhiều người biết đến, thường xuyên ăn khi ghé An Giang thì bánh dè vẫn còn khá lạ lẫm. Thậm chí, có người còn chưa nghe tên hay thử qua bao giờ. Vì loại bánh này làm rất kì công, cần nhiều tâm huyết nên hiện tại chỉ còn lại 1 xe đẩy có bán món bánh này ở thành phố Châu Đốc. 

 

Ở An Giang có loại bánh lạ gần như thất truyền, chỉ còn lại 1 nơi bán và ăn vào mát như thạch sương sa  - Ảnh 1.

Mâm bánh dè "hiếm có khó tìm" của chị Ngọc ở An Giang (Ảnh: Street Food Thảo Vy)

Thoạt nhìn qua, bánh dè rất dễ lầm tưởng với bánh bèo ngọt của miền Tây với hình dạng tròn và có phần đậu xanh tán nhuyễn đặt ở giữa. Tuy nhiên, kích thước bánh dè lại to hơn gấp ba lần, thường có màu vàng óng hoặc hơi xám. Loại bánh này có nguồn gốc từ Campuchia, du nhập vào Việt Nam từ hàng chục năm về trước. Thế nhưng, không phải người dân An Giang nào cũng biết đến. 

Bánh dè đã được biến tấu thêm vị lá dứa, có màu xanh đẹp mắt (Ảnh: Street Food Thảo Vy)

Đặc biệt hơn các loại bánh khác, bánh dè không làm từ bột nếp, bột mì hay bột gạo mà làm từ bột của cây dè - loại cây chỉ mọc ở Campuchia nhưng rất hiếm, nên khi hấp chín bánh thường sẽ trong lại. Muốn bánh dè đúng vị nhất, người thợ làm bánh phải tạo ra mối quen, đôi khi phải đi khắp vùng giáp giữa Campuchia - Việt Nam để tìm được chỗ mua bột nguyên chất, không pha trộn. 

Ở An Giang có loại bánh lạ gần như thất truyền, chỉ còn lại 1 nơi bán và ăn vào mát như thạch sương sa  - Ảnh 3.

Nếu dùng đường từ trái thốt nốt cũ, bánh sẽ có màu hơi xám chứ không vàng óng (Ảnh: Street Food Thảo Vy)

Nguyên liệu của bánh đã khó tìm, làm ra chiếc bánh còn kì công hơn. Trước tiên, người thợ sẽ nấu nhừ đậu xanh bóc vỏ, sau đó tán nhuyễn và sên đến khi đậu xanh thật ráo, nắm lại thành khối nhưng vẫn phải giữ được độ dẻo mềm, không quá khô. Tiếp đến là pha bột cây dè với nước, thêm chút đường thốt nốt để tạo màu vàng và tăng độ ngọt. Khi bột đã hòa quyện thì cho lên bếp, vừa đun vừa khuấy liên tục đến khi bột nặng tay và bắt đầu trong lại. Sau đó, người thợ sẽ cho 1 lớp bột vào trong chén đá, cắt 1 lát đậu xanh đặt vào giữa và phủ thêm 1 lớp bột nữa. Chờ khoảng vài tiếng cho bánh đông lại thì gỡ ra khỏi chén và xếp đều tăm tắp vào mâm. 

Để làm ra món bánh này tốn khá nhiều công sức (Ảnh: Street Food Thảo Vy)

Vì sử dụng nguyên liệu có 1-0-2 nên kết cấu và hương vị của bánh dè cũng khác lạ. Bánh không quá dẻo mà hơi sần sật, tương tự như thạch rau câu, độ ngọt cũng dịu nhẹ và khá thanh mát. Khi ăn sẽ chan thêm nước cốt dừa, rắc lên trên ít mè trắng rang thơm phức. Chỉ cần cắn 1 miếng, vị béo ngậy của nước cốt dừa, vị ngòn ngọt của bánh dè và vị bùi bùi của nhân đậu xanh gần như hòa lại làm 1, khiến ai ăn qua dù chỉ 1 lần cũng đều ấn tượng.

Bánh ăn vào thanh mát như đang ăn thạch sương sa (Ảnh: Street Food Thảo Vy)

Hiện tại, không dễ tìm thấy bánh dè ở những nơi khác, nhất là tại những thành phố lớn. Nếu có dịp đi An Giang, hãy thử thưởng thức qua loại bánh "độc nhất vô nhị này" để mở mang khẩu vị nhé. 

Xe đẩy bánh dè của chị Ngọc:

Địa chỉ: 4 Nguyễn Văn Thoại, P. Châu Phú A, TP. Châu Đốc

Giờ bán: 8h - đến hết

Link nguon:https://ttvn.toquoc.vn/o-an-giang-co-loai-banh-la-gan-nhu-that-truyen-chi-con-lai-1-noi-ban-an-vao-mat-nhu-thach-suong-sa-20230219170436498.htm

 

..
Hỗ trợ trực tuyến
Top