Ảnh: Thu Hường Nguyễn
Bún chắt chắt còn được gọi là bún hến, nhưng nguyên liệu chính không phải là hến mà là con chắt chắt, có vẻ ngoài giống hến nhưng nhỏ hơn, vỏ có màu đen sậm. Chắt chắt thường được người dân làng Mai Xá cào lên từ sông Hiếu, sông Thạch Hãn đem về chế biến. Để làm sạch chắt chắt, người ta thường đem ngâm trong nước gạo nhằm loại bỏ sạch cát và chất nhờn bám trong bụng, sau đó chà sạch phần bùn sót lại trên vỏ.
Ảnh: Phạm Quyên
Chắt chắt được luộc và lấy thịt. Thịt chắt chắt sau khi tách ra khỏi vỏ được ướp gia vị và xào với mỡ heo và hành mỡ để tăng hương vị. Nước luộc chắt chắt được lọc và đun sôi lại, sau đó nêm nếm và thêm gừng cắt lát để tạo nước dùng cho bún.
Ảnh: Thu Hường Nguyễn
Bún chắt chắt được trình bày với nhiều thành phần, bao gồm nước dùng thơm nồng, bún trắng, thịt chắt chắt xào cùng đậu phộng rang, rau sống, bánh đa giòn và muối chấm đặc biệt.
Đặc biệt, ăn bún chắt chắt là phải có chén muối ớt gừng, gồm muối, ớt, mì chính và gừng tươi được xay nhuyễn rồi thêm chút tiêu xanh nguyên hạt. Khi ăn, bạn sẽ cho thịt chắt chắt, rau thơm, muối ớt gừng và bánh đa vào bát bún, trộn đều và thêm ít nước dùng.
Ảnh: myhyuk81
Khi ăn bún chắt chắt, bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận được hương vị ngọt thơm của chắt chắt kết hợp với rau thơm tươi mát và cay nồng của gừng và ớt. Là một niềm tự hào cho ẩm thực miền quê Quảng Trị, bún chắt chắt đã thu hút không chỉ người dân địa phương mà còn nhiều du khách từ xa tìm đến thưởng thức.