Cơm tấm
Nhiều năm sống ở Sài Gòn, Xuân Dịu gọi cơm tấm là món "ăn hoài không ngán" và là đặc trưng nhất của thành phố. "Cơm tấm là món nhất định phải thử khi đến Sài Gòn. Tôi ăn cơm tấm ở nhiều nơi nhưng ở đây vẫn ngon và đặc biệt nhất", nữ runner chia sẻ.
Theo cô, một đĩa cơm tấm ngon phải nấu từ tấm nhuyễn, có độ dẻo, mềm, không bị khô. Ăn kèm là sườn ướp đậm vị, nướng cháy xém. Trứng ốp la lòng đào tăng độ béo cho món ăn. Ngoài ra, cơm tấm cũng hút thực khách bởi món ăn kèm đa dạng, ngoài sườn, bì, chả, trứng, còn có thêm lạp xưởng, gà, ba rọi, xúc xích,... Nước mắm phải là nước mắm ngọt, có độ sệt, cay vừa phải. Cơm tấm thích hợp để ăn mọi thời điểm trong ngày.
Cũng vì mê cơm tấm, Xuân Dịu gần như đã thử qua hết những quán cơm tấm nổi tiếng ở Sài Gòn. Cô gợi ý runner khi tham gia chạy đêm có thể thử những quán gần khu vực trung tâm để tiện di chuyển như quán Ba Cường, quán Nguyễn Văn Cừ (quận 1), cơm tấm Bãi Rác (quận 4). Mức giá cho một đĩa cơm dao động từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng.
Hủ tiếu
Hủ tiếu là món ăn bình dân của TP HCM. Người dân thành phố chuộng dùng hủ tiếu để ăn sáng hoặc ăn khuya. Runner đến TP HCM về đêm có thể dễ dàng bắt gặp những xe hủ tiếu gõ trên các vỉa hè. Mức giá chỉ từ 20.000 đồng khiến món ăn rất được lòng sinh viên hay dân lao động.
Món ăn đơn giản với sợi hủ tiếu được trụng mềm, chan thêm nước lèo hầm xương có độ ngọt thanh của củ cải trắng và giá hẹ ăn kèm. Topping đơn giản với thịt nạc cắt lát, đôi khi có thêm giò heo, xương hầm, trứng cút luộc hay bò viên. Ngoài hủ tiếu gõ, Xuân Dịu gợi ý runner có thể thử hủ tiếu Nam Vang - món ăn có nguồn gốc từ Campuchia. Món ăn này có thêm tôm, tim, gan heo, thịt bằm, ăn kèm rau tần ô, giá, hẹ. Mức giá của hủ tiếu Nam Vang cũng đắt hơn, từ 40.000 đồng đến 100.000 đồng.
Các món lẩu Nam Bộ
Theo Xuân Dịu, đến TP HCM mà không ăn lẩu là một thiếu sót. Các món lẩu tại đây đa dạng, đủ đáp ứng khẩu vị ba miền. Lẩu cá kèo và lẩu mắm là hai gợi ý để runner cảm nhận đặc trưng Nam bộ.
Lẩu cá kèo là món mang hương vị miền nam. Nước dùng lẩu có vị chua dịu nhẹ của lá giang ăn kèm với rau đắng, kèo nèo - loại rau nếu thiếu thì mất 50% độ ngon của món ăn. Cá kèo để làm lẩu là những con cá còn sống. Chờ khi nước lẩu sôi mới mở vung nồi và đổ cá vào. Xuân Dịu gợi ý runner nên ăn lẩu cá kèo Bà Huyện (Quận 3).
Lẩu mắm không phải biểu tượng Sài Gòn mà là đặc trưng của cả miền sông nước Nam bộ. Món ăn có nước lèo mắm chưng, thường là mắm cá sặc, cá linh. Người sành ăn thích vị mắm đậm. Tinh hoa của lẩu mắm còn nằm ở đĩa rau. Các loại rau trong lẩu mắm rất đa dạng như bông súng, lá tai tượng, rau má, rau dừa, bông bí, bông so đũa, lục bình, rau muống, rau nhút, cần nước, rau đắng, kèo nèo, cà tím, nấm rơm, khổ qua, đậu bắp, điên điển, đọt xoài, đọt chùm ruột, chuối chát...
"Lẩu mắm là tinh hoa ẩm thực miền Tây. Nhiều người nghĩ món có mùi khó ăn nhưng nếu đã thưởng thắc chắc chắn sẽ muốn ăn mãi", nữ runner chia sẻ.
Cà phê vợt
Cà phê vợt (cà phê kho, cà phê bít tất,...) được đặt tên theo dụng cụ dùng để pha. Thức uống làm ra bằng cách cho bột cà phê vào một túi vải tựa như cái vớ, rồi đem nhúng vào nước đang sôi, đợi cho cà phê ra hết sẽ đổ vào ly cho khách. Cà phê vợt có hương vị lạ, vừa thơm mùi cà phê nguyên chất, vừa có hậu ngọt, mịn và một chút béo.
Xuân Dịu có dịp trải nghiệm cà phê vợt tại nhiều quán ở Sài thành và yêu thích món thức uống lạ miệng này. Một số địa chỉ uống cà phê vọt cho du khách là Cheo Leo Cafe (Quận 3), Vợt Cà Phê (Phú Nhuận), cà phê Ba Lù (Quận 5).
"Nếu muốn những thức uống lạ, runner cũng có thể thử các loại nước mát tại Sài Gòn như nước sâm, mía lau, sâm bí đao, trà hoa cúc,...", Xuân Dịu gợi ý.
Trong những ngày lưu trú tại TP HCM, VĐV tham gia giải chạy đêm cũng có thể thử qua những món ăn nức tiếng khác như các món ốc, bánh mì, trải nghiệm khu ẩm thực người hoa,...
Hoài Phương/vnexpress.net/
Link nguon: https://vnexpress.net/runner-sai-gon-goi-y-diem-an-uong-khi-tham-gia-giai-chay-dem-4564976.html