Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư trên thị trường bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư....cũng cần theo dõi sát sao, có phân tích, dự báo để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Evergrande nộp đơn xin phá sản tại Mỹ sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, nợ nần.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc Evergrand phá sản vẫn là “một biến cố lớn”, dù đã được tiên đoán từ trước do doanh nghiệp này đã công bố tình hình kinh doanh “bết bát”, nợ trái phiếu trong một thời gian dài. Mặc dù chính quyền cũng đã vào cuộc để gỡ khó nhưng vẫn không tránh được tình trạng phá sản.
“Đây là tình huống không thể tránh được đối với một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ trái phiếu cho nhà đầu tư trong thời gian dài”, ông Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang trong tình trạng khó khăn thì sự kiện Evergrande phá sản sẽ ít nhiều có những tác động tiêu cực đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư.
“Sẽ có người cho rằng đó là vấn đề xa vời nhưng tôi không nghĩ thế. Rõ ràng tác động đầu tiên mà chúng ta dễ nhận thấy đó là tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản, tài chính Việt Nam. Bởi thị trường bất động sản, tài chính Trung Quốc và Việt Nam có những nét tương đồng. Hiện nay, thị trường của chúng ta cũng đang đối diện với thực trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn gánh nợ vì dự án không tiếp tục thực hiện được", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu khuyến cáo, những tác động gián tiếp về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư, khách hàng sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Lo ngại nhất là sẽ có những nhà đầu tư Việt Nam mua trái phiếu của Evergrande. Nếu vậy thì thời điểm này họ sẽ phải bó gối chịu cảnh tiền của mình bị đóng băng mà chưa biết bao giờ “rã đông” được. Đối với các nhà thầu Việt Nam nếu có liên kết với Evergrande cung cấp nguyên vật liệu thì họ cũng không thể thu hồi nợ được, thậm chí còn đối diện nguy cơ mất hẳn món tiền nợ đó. Những ảnh hưởng này sẽ là trực tiếp và gây hệ lụy đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ở một góc cạnh khác, ông Hiếu cho rằng sự sụp đổ của Evergrande là bài học rất lớn cho các nhà kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong việc phát hành trái phiếu. Tương tự như ở Trung Quốc, các doanh nghiệp bất động sản cũng có thể huy động vốn từ người dân theo những phương pháp bán dự án hình thành trong tương lai và khách hàng đóng tiền theo tiến độ xây dựng.
Nếu doanh nghiệp vỡ nợ sẽ ảnh hưởng là không nhỏ đến nền kinh tế, đến các chủ nợ và khách hàng đã bỏ tiền vào các dự án. Do đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rút ra bài học từ vụ việc này. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…phải tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra tất cả trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản, ngăn chặn kịp thời những doanh nghiệp không có thực lực, không đủ năng lực tài chính phát hành trái phiếu. Bởi theo ông, nếu Việt Nam có một vài doanh nghiệp rơi vào tình trạng như Evergrande có thể sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền rất nguy hiểm cho cả thị trường.
Đồng quan điểm, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, Evergrande là tập đoàn lớn, có đầu tư một vài dự án tại Việt Nam và nhiều nước lớn trên thế giới. Do đó tác động của việc doanh nghiệp này phá sản đến thị trường bất động sản Việt Nam là có. Sau COVID-19, cả Việt Nam và Trung Quốc đều bộc lộ rõ nhược điểm về vấn đề đầu tư bất động sản nhiều hơn mức cần thiết. Để giải quyết vấn đề, cả hai Chính phủ đều đưa ra những gói giải pháp nhằm gỡ khó cho bất động sản.
“Nhưng cần phải hiểu bất động sản là một quá trình đầu tư, doanh nghiệp quyết định đầu tư thì phải tự chịu trách nhiệm về hệ quả đầu tư của mình. Trung Quốc cũng triển khai một số chính sách để giải cứu bất động sản nhưng không hiệu quả. Vì đó là hệ quả khó sửa chữa. Điều này đã xảy ra ở Nhật, ở Mỹ. Việc phá sản của Evergrande cũng là hệ quả tất yếu, không khác được và việc đình trệ của thị trường bất động sản sẽ còn tác động đến nhiều doanh nghiệp khác ở Trung Quốc nữa chứ không chỉ riêng Evergrande”, ông Võ nói.
Cũng bàn về vấn đề Evergrande phá sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, ở góc độ vĩ mô thì việc doanh nghiệp lớn như Evergrande phá sản sẽ có ảnh hưởng đến toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản không giống với ngân hàng, ví dụ một ngân hàng lớn của thế giới hay Trung Quốc phá sản thì tác động của vấn đề đó đến các nền kinh tế sẽ là lớn và trực tiếp. Còn với lĩnh vực bất động sản, thường các công ty bất động sản độc lập với nhau thì những tác động kiểu như thế này gần như không có, thường mang yếu tố tâm lý nhiều hơn. "Trừ trường hợp tập đoàn này Everrande đứng sau lưng doanh nghiệp nào đó ở Việt Nam, trong trường hợp họ phá sản thì doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Còn nếu ngược lại không có chuyện Evergrande đứng sau thì không có bất kỳ ảnh hưởng gì", ông Phong nói thêm.
Ngày 18/8, Bloomberg đưa tin Tập đoàn Evergrande đã nộp đơn theo Chương 15 - Luật bảo hộ phá sản của Mỹ lên tòa án Manhattan ở New York.
Động thái này cho phép tòa án phá sản tại Mỹ vào cuộc khi có trường hợp mất khả năng thanh toán liên quan đến một quốc gia khác. Phá sản theo Chương 15 trao cho các chủ nợ nước ngoài quyền tham gia vào các vụ phá sản của Mỹ và cấm phân biệt đối xử đối với các chủ nợ nước ngoài đó.
Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc. Tập đoàn này đã rơi vào khó khăn kéo dài bởi vay nợ nhiều và mất khả năng trả nợ hồi năm 2021, kích hoạt cuộc khủng hoảng bất động sản lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc.
Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ của Evergrande là 340 tỷ USD, lỗ 81 tỷ USD trong 2 năm (2021-2022). Doanh nghiệp cũng đã nộp đề án tái cơ cấu đầu năm 2023 và đã đạt thỏa thuận, cam kết nhất định từ các chủ nợ. Theo đó, Evergrande kỳ vọng sẽ hồi phục, trở lại hoạt động bình thường trong 3 năm, nhưng sẽ cần bổ sung nguồn tài trợ khoảng 40 tỷ USD.
Thực tế, doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã làm việc nhiều tháng để hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc nợ ở nước ngoài. Evergrande đã bán cổ phẩn chiến lược của công ty xe điện thuộc Tập đoàn Evergrande cho một doanh nghiệp đóng tại Dubai với vốn góp khoảng 500 triệu USD (28% vốn cổ phần của công ty xe điện này). Evergrande cũng đang đàm phán tái cơ cấu với các chủ nợ, nhà đầu tư ở Hong Kong, Đảo Cayman và Bulgari.
(Nguồn: Vtc.vn)