Giá bất động sản Nhật Bản tăng cao - Ảnh: The Japan Times
Giá trị bất động sản của Nhật Bản đang ngày càng tăng và lan sang ba khu vực đô thị lớn Tokyo, Osaka, Nagoya khi dòng tiền từ nước ngoài tiếp tục đổ vào thị trường này, theo cuộc khảo sát do Bộ Đất đai Nhật Bản vừa công bố.
Các khu vực xa trung tâm chứng kiến giá bất động sản tăng được hưởng lợi từ ba yếu tố - du lịch nước ngoài, đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn và các dự án tái phát triển.
Giám đốc Yuto Ohigashi phụ trách giám sát nghiên cứu tại Jones Lang LaSalle (JLL) cho biết Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia tiên tiến nơi người ta có thể hy vọng đạt được lợi nhuận từ đầu tư bất động sản.
Theo công ty dịch vụ bất động sản JLL, trong nửa đầu năm nay Nhật Bản đã thu hút khoản đầu tư bất động sản trị giá 2.140 tỉ yen (14,5 tỉ USD), tăng 52% so với cùng kỳ năm trước đó.
Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư quốc tế đã mua bất động sản ở Nhật Bản trị giá 513 tỉ yen, chiếm 60% tổng doanh thu của cả năm 2022.
Theo dữ liệu Bộ Đất đai vừa công bố, giá bất động sản đã tăng từ đầu năm đến nay tại 44,7% trong tổng số địa điểm trên toàn quốc đang được chính phủ sử dụng và theo dõi, gấp đôi so với năm 2020 khi đại dịch làm giảm giá trị bất động sản.
Ikuo Koike, một chuyên gia bất động sản, cho rằng sự phục hồi ở các khu vực du lịch sẽ tiếp diễn nhờ nhu cầu mạnh mẽ về khách sạn. Đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn cũng đang đẩy giá bất động sản bên ngoài khu vực đô thị lên cao với ví dụ điển hình ở thành phố Chitose thuộc tỉnh Hokkaido.
Các dự án cơ sở hạ tầng và tái phát triển cũng đã đẩy giá đất tăng cao. Thành phố Fukuoka đã chứng kiến các lô đất thương mại tăng giá trị 11,2%. Hai dự án tái phát triển lớn đang được tiến hành sau khi các quy định về phân vùng được nới lỏng.
Tại khu vực Tokyo, giá trung bình cho một căn hộ chung cư mới đã tăng lên 99,4 triệu yen trong tháng 7-2023, theo Viện Kinh tế bất động sản ở Tokyo, ghi dấu mức cao nhất từ trước đến nay.
Các chuyên gia nhận định rằng tâm điểm trong thời gian tới sẽ là các nguồn vốn đến từ nước ngoài nhằm tận dụng lãi suất thấp của Nhật Bản, cũng như đồng yen yếu, và không rõ môi trường lãi suất thấp của Nhật Bản sẽ kéo dài bao lâu trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng cao.
(Nguồn: Tuoitre.vn)