Pù Luông vào mùa lúa chín được nhiều nhiếp ảnh gia, du khách tìm đến chiêm ngưỡng. Dưới nắng vàng như mật của tháng 5, travel blogger Vinh Gấu đã kịp ghi lại những dấu ấn thú vị tại Pù Luông trong hành trình xuyên Việt của mình.
Pù Luông có nghĩa là đỉnh cao nhất làng. Nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hoá, thuộc huyện Bá Thước, cách Mai Châu (Hoà Bình) 50km, là nơi sinh sống của cộng đồng người Mường và Thái. Được ví như “thiên đường giữa đại ngàn”, Pù Luông được các nhà khoa học đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch. Vào độ tháng 5, 6 và tháng 9,10, những thửa ruộng bậc thang ở Pù Luông vào độ chín rộ, tạo nên khung cảnh mùa vàng trù phú tuyệt đẹp.
Tuy là mùa hè, nhưng bao quanh Pù Luông là rừng núi bạt ngàn, lại thuộc vùng núi đá vôi đất thấp nên thời tiết khá mát mẻ. Với điều kiện khí hậu thuận lợi và một nền văn hoá bản địa gần như được bảo tồn nguyên vẹn, Pù Luông thích hợp để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Nằm lọt thỏm dưới thung lũng Pù Luông là bản Đôn, nơi tập trung đông người Thái. Vài năm trở lại đây, du khách trong và ngoài nước tìm đến Bản Đôn ngày một nhiều.
“Một cảm giác lâng lâng khi chạy xe quanh bản Đôn. Mình vừa được ngắm những ruộng lúa bậc thang chín vàng, tận mắt chứng kiến người dân gặt lúa. Đường xá tuy nhỏ, nhiều đoạn còn sình lầy, nhưng nào có sá gì so với những điều mình thấy. Sau khi dạo một vòng, mình dựng chiếc xe máy lên rồi bày “đồ hàng” ra pour pha cà phê, tận hưởng và ngắm view ruộng bậc thang”, blogger Vinh Gấu chia sẻ trải nghiệm thú vị.
“Mình mang cả bộ pour pha cà phê khá cồng kềnh theo xe trong chuyến đi xuyên Việt này, cứ đến chỗ nào chill chill thì lại bày biện ra thưởng thức đồ uống. Có duyên thì gặp người lạ, mời họ cà phê và nói đủ chuyện trên đời”, anh nói.
Dọc đường đi, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh cuộc sống thường nhật của người dân bản địa. Ngoài đồng ruộng, người dân hối hả vụ mùa, người lớn cặm cụi với bao lúa, bao cỏ, đám trẻ nhỏ tung tăng chạy nhảy chơi đùa.
Hình ảnh người phụ nữ đeo gùi lúa, thay vì đặt lên vai, dây đai lại được đặt ở trước đầu. Một hình ảnh quá đỗi bình dị nhưng phần nào khắc hoạ được cuộc sống vẫn còn nhiều thô sơ của đồng bào nơi đây.
Các resort, homestay, nhà nghỉ ở Pù Luông được xây dựng theo phong cách dân dã, gần gũi với thiên nhiên, mang lại cảm giác thoải mái cho du khách. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn văn hoá bản địa, du khách có thể chọn nghỉ tại nhà dân.
“Lần này đến Pù Luông, mình nghỉ qua đêm tại một resort nằm trên đồi, hướng nhìn ra thung lũng với ruộng lúa bậc thang đẹp hút mắt. Xung quanh resort là nhà dân và cỏ cây, còn có cả bể bơi, mang lại cho mình cảm giác gần gũi, yên tĩnh và thư giãn. Đồ ăn ở đây cũng rất ngon, phục vụ du khách các món ăn đặc sản như món vịt cổ lũng, măng bản luộc, canh ngao chua, gà bản nướng…”, nam du khách cho hay.
Theo blogger Vinh Gấu, từ bản Đôn, chạy xe máy thêm khoảng 15 phút sẽ đến chợ phiên Phố Đoàn ở xã Lũng Niêm. Chợ chỉ mở vào ngày thứ năm và chủ nhật hàng tuần. Chợ phiên Phố Đoàn còn có tên gọi khác là chợ Phố Đòn, vốn là một khu chợ có từ thời Pháp thuộc.
Vào ngày có phiên chợ, đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái từ các địa phương lân cận và cả người dân ở vùng núi cao như Son, Bá, Mười cũng tới giao thương, buôn bán. Sản vật tại chợ phiên chủ yếu là “cây nhà lá vườn”, từ bó rau nhà trồng, nắm rau rừng, con vịt, con gà, thổ cẩm hay đặc sản theo mùa…
Bánh rán một trong những đặc sản ở chợ phiên Phố Đoàn. Bánh được làm từ những hạt gạo thơm do tự tay người dân gieo hạt và thu hoạch.
Ngoài ra, Pù Luông còn có nhiều điểm tham quan khác như là thác nước bản Hiêu, guồng nước suối Chàm ở gần chợ làng Sát, thôn Báng,… cho du khách thoải mái khám phá.
Theo 24h.com.vn-31/5/2023
Nguồn: https://www.24h.com.vn/du-lich-24h/uong-ly-ca-phe-thanh-thoi-ngam-mua-vang-pu-luong-c76a1471422.html