Món cá ngon đầy kỷ niệm thời bao cấp
Tôi vẫn nhớ câu chuyện của những tiền bối đi trước kể: Cá ở biển, người ta kéo giã, đẩy te..., con lớn đã chọn hết, còn lại một mớ cá hổ lốn, trong đó nhiều nhất là cá ót (cá long hội), thứ cá nhỏ, không nhiều, dày thịt bằng các loại các khác, xương thì lại rất cứng. Vì thế loại cá xưa ít người ưa, rẻ tiền này bỏ lại.
Với đồng lương ít ỏi khi đó, cầm một tý tiền đi mua thực phẩm. Những giáo viên như mẹ tôi lượn khắp chợ, nhưng thứ gì cũng đắt, không mua được gì, cuối cùng phải mua thứ cá kia.
Thế nhưng về sau này, khi no đủ mọi loại thực phẩm, cá to, người ta lại phát hiện ra cá ót lại ngon tuyệt: Thịt mềm, thơm, ngậy khi kho, ngọt lịm khi nấu riêu, lẩu…Có lẽ vì thế mà ngoài mua, nay rất nhiều người có thú vui khi đi câu loại cá này.
Nhân chuyện đi câu, đánh bắt cá, tôi cũng như nhiều người hâm mộ món cá này đều có một thắc mắc: Vì sao cá này có tên là cá ót. Từ điển tiếng Việt không nói rõ đây là tên loại cá mà chỉ một bộ phận cơ thể. Và tôi cũng dám cá rằng không nhiều người biết vì sao dù đó là ngư dân.
Theo anh Nguyễn Thanh Đinh, một ngư dân chính hiệu ở đảo Minh Châu (Vân Đồn, Quảng Ninh) lý giải "Ngoài đánh lưới, người ta có thể câu loại cá này. Khi cá cắn, vớt lên, vuốt đám nhớt nhầy bao quanh mình cá, họ mới có thể cầm chắc mình con cá. Cá sống bị tóm thường phát ra tiếng: ót, ọt. Rất có thể đây là lý do giống cá này được gọi là cá ót".
Đi Quảng Ninh, thật phí nếu bỏ qua lẩu cá ót
Rẻ, không ai mua, chẳng ai ăn ấy vậy mà bây giờ cá ót trở thành món đặc sản, không dễ kiếm. Còn nhớ lần muốn ăn lẩu cá ót, nhấc điện thoại nói chuyện, anh bạn vui vẻ bảo: Bây giờ, cá ót đã trở thành đặc sản nên muốn ăn thì phải gọi điện đặt trước, nhà hàng mới để phần cho.
Khi tới quán, mặc dù chưa đến giờ ăn trưa nhưng bước vào quán đã thấy chủ quán lúi húi làm cá. Cẩn thận gỡ từng mớ cá ót còn nguyên nhớt bọc lấy nhau, anhh giải thích để làm món lẩu này ngon anh phải đi tìm đặt thuyền vừa đi đánh lưới về chọn những mớ cá ót còn tươi rói, ánh bạc, mắt trong đặc biệt lẫn từng mớ nhớt là ngon nhất.
Anh chủ quán giải thích thêm "Cá ót ở vùng biển thường có quanh năm. Cá ót chỉ hiếm khi trời lạnh, biển động. Nhưng trời ấm, đặc biệt là đang ấm chuẩn bị chuyển gió dễ đánh và đánh được rất nhiều".
Đối với người dân vùng biển đặc biệt ở Vân Đồn, lẩu cá ót không thể thiếu hương vị của quả bứa. Bứa vốn là quả dại mọc trên rừng, núi, có nhiều ở các đảo đặc biệt là Ngọc Vừng. Bứa Ngọc Vừng chín nhiều vào mùa hè thường chỉ kéo dài trong 1 tháng (từ tháng 8-9), ngon nhất là làm lẩu cá với bứa tươi.
Hết mùa người dân thường bỏ ruột, mang vỏ bứa phơi khô trong nắng rồi tích trữ ăn dần. Để bảo quản và giữ được hương vị bứa lâu người dân đảo chọn hôm nắng đẹp mang ra phơi ráo, chứ phơi ít nắng hoặc sấy đều không đạt được hương vị ngon.
Cá ót đặc biệt hợp với thứ quả mọc ở các ngọn đồi ven biển này. Cũng có vị chua, nhưng bứa khác với me, tai chua. Bứa chua thanh, có vị thơm dịu ngọt đặc biệt càng đun lâu càng chua, càng ngon. Vì thế nồi nước lẩu chỉ cần một chút cà chua, gia vị vừa dùng và một chút bứa khô là đủ ngon, ngọt.
Cá ót tươi bày lên đĩa, thả dần vào nồi lẩu. Vị chua của bứa chua nhanh chóng át mùi tanh của cá ót. Lẩu cá ót có thể ăn kèm các loại rau nhưng có lẽ hợp nhất là các loại rau cần, rau cúc, rau cải, rau diếp…
Cá ngon cũng cần biết cách nấu, cách ăn. Nước sôi thả cá. Cá chín, nổ mắt có thể gắp ra ăn ngay. Không nên để kĩ cá chín, nát, róc hết thịt mất vị ngon, ngọt. Đặc biệt càng ăn nồi nước lẩu càng ngon từ vị ngọt của cá và vị chua thanh, dịu của bứa.
Cá ót thịt mềm, thơm, ngọt thịt thế nhưng xương thì rất cứng. Khi ăn cần cẩn thận. Bị hóc xương chỉ có nước lôi họng…Vì thế mới có chuyện cá ót được chơi chữ gọi bằng cái tên mỹ miều: cá long hội, tức là lôi họng.
Trời lạnh, ngồi thưởng thức bên nồi lẩu cá ngọt lịm bốc hơi nghi ngút, nghe dân biển kể chuyện, ôn kỷ niệm xưa, nhấm vài chén rượu thật ngon và thú vị biết bao.