Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH)đang lấy ý kiến bộ ngành, địa phương dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng.
Tại dự thảo, Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương tối thiểu ở mức 6% so với mức hiện hành, áp dụng từ ngày 1/7/2024. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng của Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng; Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng; Vùng III: 3.860.000 đồng/tháng; Vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng.
Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh điều chỉnh địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng. Theo đó, nâng vùng II lên vùng I cho một số địa phương: Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí và Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh. Với địa phương chuyển vùng này, dự kiến người lao động sẽ được tăng lương 550.000 đồng/tháng.
Nâng vùng III lên vùng II cho: Thái Bình, Thanh Hóa, Sầm Sơn, Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Ninh Hòa và Sóc Trăng. Người lao động vùng này sẽ được tăng lương 550.000 đồng/tháng.
Nâng vùng IV lên vùng III cho: Thái Thụy, Tiền Hải, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa và Nông Cống, Ninh Phước và người lao động được nâng lương khoảng 410.000 đồng/lượng.
Khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, ngoài việc được tăng tiền lương hàng tháng, người lao động sẽ được tăng một số quyền lợi như: tăng tiền lương ngừng việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa...
Người lao động một số khu vực sẽ được tăng lương tối thiểu 2 lần. (Ảnh: Việc làm tốt).
Chị Nguyễn Thị Nhung - công nhân công ty may tại Thanh Hóa - chia sẻ, tiền lương hàng tháng được tính theo lương tối thiểu vùng, phụ cấp (ăn trưa, xăng xe, thâm niên...). Trước đây, chị Nhung làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), thuộc vùng 1, mức lương tối thiểu vùng cao hơn khi chuyển về Thanh Hóa.
“Cùng công việc công nhân nhưng khi làm tại Hà Nội, mức lương của tôi cao hơn. Do chuyển về Thanh Hóa để gần gia đình, tôi đành chấp nhận mức lương thấp hơn. Nếu Thanh Hóa được chuyển vùng khi tính lương tối thiểu, nhiều công nhân chúng tôi sẽ bớt thiệt thòi”, chị Nhung chia sẻ.
Theo Bộ LĐTB&XH, việc điều chỉnh vùng của các địa phương nêu trên nhằm tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng và gắn với địa giới hành chính cấp huyện.
Tuy nhiên, đến nay một số địa bàn áp dụng lương tối thiểu đã không còn phù hợp, do có sự thay đổi về địa giới hành chính (như đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể) sau khi thực hiện sắp xếp lại theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các địa bàn có sự thay đổi về điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường lao động, chính sách thu hút đầu tư và được rà soát, cập nhật.