Với điều kiện địa hình là đảo, núi, không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, do áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nên nông nghiệp Nhật Bản có sự phát triển tối đa. Nông nghiệp Nhật Bản có 4 đặc trưng.
Thứ nhất, qui mô nông nghiệp nhỏ. Lý do bởi diện tích canh tác ít, nên không thể thực hiện phát triển nông nghiệp qui mô lớn.
Cánh đồng rau xà lách ở Làng thần kỳ Kawakami, tỉnh Nagano. (Ảnh: Bùi Hùng)
Thứ hai, nông nghiệp được cơ giới hóa: Gần như 100% đều sử dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, giá cả các sản phẩm nông sản sản xuất trong nước đều cao hơn so với sản phẩm nông sản nhập khẩu. Bởi vì sản lượng không lớn nên cần tạo giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm. Chất lượng các sản phẩm thực sự đặc biệt, cả thế giới đều coi thịt bò Nhật là hảo hạng, dưa lưới Nhật Bản là số 1.
Thứ tư, vận dụng công nghệ AI vào sản xuất nông nghiệp: với tình trạng dân số giảm trầm trọng, lực lượng nông dân ít chỉ có hơn 1,2 triệu người, nhưng gần 70% là người già. Do vậy, máy móc hiện đại, robot… được thay thế cho con người trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình hợp tác xã
Ở Nhật Bản có tổ chức gọi là Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp (JA) và Liên hiệp Hợp tác xã tiêu dùng (JCCU). Hai tổ chức này đều được chia làm 3 cấp, cấp trung ương, cấp tỉnh (bao gồm 47 tỉnh thành) và cấp cơ sở (thuộc làng, xã, thị trấn). Liên hiệp này hầu hết đều hoạt động dưới dạng phi lợi nhuận và kinh doanh nhiều dịch vụ từ sản xuất, phân phối đến các hoạt động tài chính như: tín dụng, bảo hiểm nhằm hỗ trợ các thành viên.
Máy móc và công nghệ được vận dụng trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Bùi Hùng)
Nhật Bản hiện có gần 600 hợp tác xã (HTX). Hợp tác xã chia ra 2 loại đó là HTX đa năng và HTX nông nghiệp. HTX đa năng là hợp tác xã thực hiện nhiệm vụ như hỗ trợ vốn, cung cấp nguyên liệu, tiếp thị sản phẩm… HTX nông nghiệp chủ yếu là sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp như rau, gạo, gia cầm… Hoạt động của các HTX này có nhiều điểm giống như hoạt động của công ty cổ phần.
Các sản phẩm nông nghiệp của HTX cấp tỉnh, cấp cơ sở sản xuất và bán ra thị trường đều phải ghi rõ ràng lô gô của Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản (JA) bên cạnh tên HTX đó.
Với hình thức như vậy, HTX thực sự là của người dân nhưng được quản trị rất dân chủ, dựa trên luật pháp. Tuy vậy, mỗi HTX đều có qui chuẩn riêng, cố gắng tạo ra một hoặc vài loại sản phẩm đặc trưng nổi tiếng trên cả nước. Theo đó, vận hành và quản trị hợp tác xã hoàn toàn theo cơ chế thị trường, sự hỗ trợ của nhà nước không đáng kể. Ví dụ như Làng Kawakami, tỉnh Nagano được mệnh danh là ngôi làng thần kỳ của Nhật Bản nổi tiếng với 2 loại rau chủ yếu là xà lách và cải trắng. 70% rau sạch của Nhật Bản trong những tháng mùa Hè được là từ ngôi làng này. Thu nhập trung bình của 1 hộ nông dân nơi đây khoảng hơn 400.000 USD/năm. Mỗi hộ nông dân được coi là một cổ đông và các cổ phiếu nhiều hay ít tùy thuộc vào số lượng sản phẩm nông nghiệp là bao nhiêu. Trưởng làng không chỉ là nông dân mà còn tham gia vào hoạt động quản lý, đối ngoại, tiếp thị sản phẩm. Trưởng Làng Kawakami đã từng đến thăm Việt Nam và giới thiệu về mô hình nông nghiệp.
Để cho độ tươi, ngọt được đảm bảo, người nông dân phải dạy sớm, tự tay cắt từng cây xà lách và phải kết thúc trước khi mặt trời lên. (Ảnh: Bùi Hùng)
Để tăng tính cạnh tranh, đặc biệt là thúc đẩy giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu, một số Hợp tác xã nông nghiệp của khu vực đã sáp nhập, đa dạng hóa dịch vụ từ sản xuất đến vận chuyển, xuất khẩu… lựa chọn một số sản phẩm cao cấp nhất để quảng bá. Vì vậy, mới có cặp dưa lưới lên tới hàng trăm triệu đồng. Tháng 5/2021, 1 cặp dưa lưới Yubari của thành phố Sapporo có giá lên tới 2,7 triệu yên tương đương gần 23.000 USD. Có một phương châm được thống nhất trong tất cả các HTX là có một số sản phẩm chỉ để quảng bá, nâng giá trị và không cần doanh thu nhiều hay ít.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Nền nông nghiệp Nhật Bản đã rất phát triển nhờ có hạ tầng hoàn hảo. Tuy vậy, nhìn từ nhiều góc độ, nền nông nghiệp Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng trong cách quản lý và sản xuất. Nếu lựa chọn và thích ứng được, những kinh nghiệm trong quá trình phát triển nông nghiệp của Nhật Bản có thể vận dụng, tạo hiệu quả tốt cho các sản phẩm nông nghiệp. Muốn vậy, Việt Nam phải thực hiện ngay việc tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp bằng cách dần tiến tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, nghĩa là máy móc thay thế công việc nặng nhọc cho người nông dân. Tuy cần thời gian và tài chính nhưng cần có kế hoạch cụ thể.
Cánh đồng hành tại Goto, Nagasaki. (Ảnh: Bùi Hùng)
Ở Nhật Bản, một hộ nông dân cũng có thể trở thành nơi sản xuất cây giống hay sản phẩm nông nghiệp nào đó với qui mô lớn, cung cấp sản phẩm ra khu vực hoặc cả nước. Tạo điều kiện cho những hộ nông dân có sản xuất nông nghiệp qui mô lớn phát triển, tiến tới xuất khẩu là điều có thể làm được.
Sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản có 3 thế mạnh là: ngon, tốt cho sức khỏe, an tâm và an toàn. Việt Nam cũng cần tạo ra thế mạnh nông sản dựa trên chất lượng.
Giống như Nhật Bản, mô hình HTX Việt Nam cần đa dạng hóa các dịch vụ, sát nhập lại để có quy mô đủ lớn, tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí đầu vào, vừa phát triển thị trường nội địa và vừa phát triển thị trường bên ngoài.
Cần gắn hoạt động phát triển nông nghiệp với sinh hoạt đời sống thường ngày. Ví dụ như: có thể thực hiện các chuyến du lịch sinh thái tại nông thôn, trang trại sản xuất… Thông qua đó có thể vừa bảo vệ môi trường tự nhiên, vừa nâng cao thu nhập của người nông dân, gắn kết tri thức giữa nông thôn và thành thị. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện mô hình này ở một số địa phương như Huế, Lâm Đồng…
Hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không đơn giản chỉ xuất hiện tại thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản… mà sẽ được nhắc tới bởi chất lượng, giá trị cao của sản phẩm./.
Bùi Hùng/VOV-Tokyo/7/4/2023
Link nguon:https://vov.vn/kinh-te/kinh-nghiem-cho-nong-dan-viet-nam-tu-nen-nong-nghiep-nhat-ban-post1012432.vov