Ông Đào Minh Tú cho biết tín dụng từ đầu năm đến nay tăng chậm, mới đạt 3,36% so với cuối năm ngoái - Ảnh: SBV
Theo phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ đứng trước khó khăn như từ đầu năm đến nay. Chính phủ vừa họp bàn làm thế nào để tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng chậm là do doanh nghiệp rất khó khăn do đơn hàng giảm, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều. Một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động.
Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu nhiều mặt hàng tăng cao, sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, một số lĩnh vực như thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Những điều này tác động đến khó khăn của điều hành chính sách tiền tệ.
Tính đến ngày 15-6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022. Mức tăng khá chậm. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn đang nỗ lực tăng tín dụng, nhưng nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng. Tín dụng tăng vẫn đảm bảo hiệu quả đồng vốn, chất lượng tín dụng.
"Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp không những không vay vốn thêm mà còn trả lại tiền vay trước đây. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng. Tín dụng tăng trưởng trong thời gian tới là rất quan trọng" - ông Tú chia sẻ.
Cũng theo ông Tú, chỉ tiêu đặt ra tín dụng năm nay tăng 14%. Trường hợp kiểm soát lạm phát và nhu cầu tín dụng tăng cao thì chỉ số này có thể sẽ được đẩy cao hơn, song ngược lại. Nhưng đến thời điểm này, mục tiêu tăng tín dụng cả năm vẫn giữ mức 14%.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã giao 11% nhưng nay mới đạt 3,36%, nên hạn mức còn rất nhiều. Khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngành ngân hàng là đầy đủ và sẵn sàng.
Về điều hành lãi suất, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục theo dõi để có giải pháp phù hợp. Gần đây, ngày 16-6, lần thứ 4, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Đây là những biện pháp cụ thể, trực tiếp để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay.
Ông nói thêm ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn tiền cho vay nhiều để hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, cho người dân. Ngân hàng cũng thấu hiểu điều đó và cũng rất mong muốn như vậy.
Với nguyên tắc tôn trọng thị trường, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại từng bước giảm lãi suất cả hai chiều huy động và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
"Một vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước làm việc với ngân hàng thương mại. Lãi suất điều hành giảm rồi thì các ngân hàng thương mại phải chia sẻ bằng việc cắt giảm nguồn lợi nhuận và chi phí điều hành để giảm lãi suất cho vay" - ông Tú nhấn mạnh.
(Nguồn tuoitre.vn)