Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương khảo sát rừng lim tại TP. Hạ Long
Từ năm 2010 đến nay, Quảng Ninh đã nâng gần 9% độ che phủ rừng, hiện đạt 55% với diện tích gần 340.000 ha, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; đẩy mạnh phát triển rừng ngập mặn với diện tích lớn nhất khu vực phía Bắc, rừng phòng hộ ven biển, ven sông, rừng đầu nguồn; dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; trồng hơn 1.500 ha rừng cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác than; diện tích trồng tập trung hàng năm trên 12.300 ha. Riêng với chủ trương trồng rừng gỗ lớn, năm 2022 toàn tỉnh đã trồng được gần 2.300 ha lim, giổi, lát. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành lâm nghiệp đạt gần 6,7%/năm…
Dù vậy, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế tại địa phương: “Các cơ chế chính sách bảo vệ phát triển rừng bền vững chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là trồng mới rừng gỗ lớn; các khâu từ trồng rừng, chế biến lâm sản đến tiêu thụ còn thiếu sự liên kết, trình độ công nghệ và mức độ cơ giới hóa chưa cao; việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các công ty lâm nghiệp còn chậm…”.
Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng được đưa ra trong buổi làm việc liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Quảng Ninh
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, Quảng Ninh hiện là một trong những tỉnh đi đầu, chủ động và trách nhiệm trong thực hiện Chỉ thị 13 với các kế hoạch cụ thể, có nhiều mô hình và kinh nghiệm quý, đặc biệt là quan điểm chuyển dịch “từ nâu sang xanh” xuyên suốt. Sự cân bằng giữa quản lý, bảo vệ và phát triển đã đưa kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng đi vào thực tiễn, đảm bảo sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân, gắn liền với sự phát triển của nhiều lĩnh vực KT-XH khác. Khẳng định Quảng Ninh có rất nhiều tiềm năng, không chỉ riêng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn mà còn có hệ sinh thái trên các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long...
Trưởng Ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh khẳng định kinh nghiệm từ Quảng Ninh là cơ sở quan trọng để tổng hợp, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị địa phương tiếp tục có những chiến lược để rừng phải là lợi thế và động lực của tỉnh trong thời gian tới: “Quảng Ninh cần nghiên cứu thực hiện giải pháp căn cơ, đồng bộ, thúc đẩy lẫn nhau trong phát triển kinh tế rừng và kinh tế biển. Đây là đặc thù, lợi thế của địa phương. Chúng ta kết hợp giữa “rừng vàng” và “biển bạc” như thế nào để đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích trong các khu vực để phát triển, có yếu tố bền vững trong kết hợp kinh tế biển, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng”.
Sáng 28/3, Đoàn công tác đã đi khảo sát, nắm tình hình thực tế về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thăm các mô hình rừng trên địa bàn TP. Hạ Long, Quảng Ninh./.
Trường Giang/VOV-Đông Bắc
Link nguon; https://vov.vn/kinh-te/quang-ninh-can-ket-hop-phat-trien-rung-vang-voi-bien-bac-post1010342.vov