Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%), làm giảm 1,5 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Xét theo địa phương, báo cáo cho biết, chỉ số IIP tháng 4/2023 so với tháng trước của một số địa phương tăng cao là: Sơn La tăng 29,2%; Hòa Bình tăng 26,4%; Đồng Tháp tăng 19,8%; Phú Yên tăng 11,6%; Thừa Thiên - Huế tăng 10,4%; Bình Thuận tăng 10,2%; Kiên Giang tăng 8,4%; Quảng Bình tăng 7,5%; Điện Biên tăng 6,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm 2022 tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Trong đó, Tuyên Quang là địa phương đứng đầu cả nước về tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp, với mức tăng IIP 4 tháng 2023 đạt 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
10 địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất 4 tháng đầu năm 2023 (%). Nguồn: GSO
Xếp thứ hai là Đắk Lắk với chỉ số IIP 4 tháng đầu năm 2023 tăng 14,2% so với cùng kỳ. Theo sau là các địa phương như Thái Bình (13,8%), Hậu Giang (13,8%), Hải Phòng (13,4%)...
Tổng cục Thống kê đánh giá, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Theo đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 4 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Cao Bằng tăng 26,3%; Lai Châu tăng 22%; Đắk Lắk tăng 21,9%; Tuyên Quang tăng 21%; Gia Lai tăng 17,5%; Hải Phòng tăng 15%; Quảng Ninh tăng 14,1%.
Bên cạnh đó, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao gồm: Hậu Giang tăng 274,7%; Thái Bình tăng 54,5%; Cà Mau tăng 43,1%; Quảng Trị tăng 31,5%.
Ở chiều ngược lại, Trà Vinh ghi nhận tốc độ giảm IIP lớn nhất trong 4 tháng đầu năm, giảm khoảng 32,3% so với cùng kỳ năm 2021. Theo là Quảng Nam với tốc độ giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Bắc Ninh; Hà Giang; Vĩnh Long; Sóc Trăng; Bà Rịa - Vũng Tàu... với tốc độ giảm lần lượt là 18,5%; 16,1%; 14,9%; 13,8% và 3,7%.
10 địa phương có chỉ số IIP giảm nhiều nhất 4 tháng đầu năm (%). Nguồn: GSO
Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Cụ thể, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 4 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Quảng Nam giảm 33,4%; Bắc Ninh giảm 18,6%; Vĩnh Long giảm 16,1%; Sóc Trăng giảm 15,5%.
Các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 4 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Trà Vinh giảm 46%; Ninh Bình giảm 37,3%; Cao Bằng giảm 27,6%; Hà Giang giảm 25%; Tuyên Quang giảm 17,7%; Hải Phòng giảm 15,6%. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm: Đồng Tháp giảm 63,2%; Vĩnh Long giảm 52,6%; Sóc Trăng giảm 45,2%; Hải Dương giảm 43,4%.