Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023.
Đây là cơ sở pháp lý để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, các ngành; định hình các đột phá chiến lược, triển khai các giải pháp phù hợp để Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực Duyên hải Trung bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững; trung tâm năng lượng sạch; trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia.
Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Bắc của tỉnh giáp với tỉnh Lâm Đồng, phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, và phía Tây Nam giáp Bà Rịa-Vũng Tàu, ở phía Đông và Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 192 km. Dân số khoảng 1,3 triệu người với 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh; tiếp đến là các dân tộc Chăm, Ra Glai, Hoa, Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng, Mường.
Tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện với 124 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 19 phường, 12 thị trấn và 93 xã. Năm 2023, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 8,1% so năm 2022, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 4/14 địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận xác định 4 định hướng lớn
* Mục tiêu phát triển
Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
*Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao so với vùng và cả nước; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.
1. Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng
- Đối với ngành công nghiệp: Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản có lợi thế của Tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng; tạo điều kiện, triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG.
- Đối với ngành nông nghiệp: Xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh, sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính; phát triển các vùng chuyên canh gắn với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh.
- Đối với ngành du lịch, logistics, dịch vụ y tế, khoa học công nghệ…:
Ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực, phát triển du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế. Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”. Phát triển, đa dạng hóa những sản phẩm du lịch chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển.
Phát triển dịch vụ vận tải và logistics bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh. Phát triển mạnh dịch vụ cảng biển gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp; thu hút đầu tư các bến cảng phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.
Xây dựng, phát triển ngành y tế đồng bộ, từng bước hiện đại, kết hợp hài hòa giữa hệ thống y tế chăm sóc, khám, chữa bệnh và y tế dự phòng, đảm bảo tính kết nối, liên thông từ tỉnh đến cơ sở, với vùng, cả nước và quốc tế.
Kêu gọi đầu tư hình thành và phát triển một cụm liên kết ngành về khoa học - công nghệ cao gắn với đổi mới sáng tạo và đào tạo, đưa dịch vụ khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
Thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
2. Tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội
-1 trục động lực: Trục Đông Bắc - Tây Nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và QL1A; kết nối giao thông quan trọng với tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là kết nối với TP. Hồ Chí Minh.
- 2 trục liên kết:
+ Trục liên kết du lịch gắn du lịch biển của Bình Thuận với du lịch núi rừng của vùng Tây Nguyên. Hình thành các cụm điểm du lịch trong khu vực hành lang hỗ trợ phát triển thuộc vùng cao phía Tây, Tây Bắc của Tỉnh.
+ Trục liên kết sản xuất gắn với nguồn tài nguyên khoáng sản, nông lâm sản vùng Tây Nguyên kết hợp với tài nguyên khoáng sản, nông lâm, thủy sản tại chỗ.
-3 trung tâm:
(1) Trung tâm tỉnh gồm khu vực thành phố Phan Thiết và phụ cận.
(2) Trung tâm phía Nam với hạt nhân là đô thị La Gi.
(3) Trung tâm phía Bắc với hạt nhân là đô thị Liên Hương.
Các trung tâm được bố trí kết nối với trục động lực và gắn kết với các chức năng công nghiệp, du lịch và đầu mối giao thông vận tải như cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt và các trung tâm tiếp vận.
- 3 hành lang phát triển:
1 là Hành lang phát triển thứ nhất gắn với trục động lực;
2 là Hành lang ven biển cùng với việc hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển kết nối các chức năng: Công nghiệp - du lịch - đô thị - nông nghiệp ven biển là khu vực năng động về phát triển kinh tế theo chủ trương phát triển hướng biển, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng từ biển.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết về đêm.
3 là Hành lang hỗ trợ phát triển kết nối các khu vực phía Tây, Tây Bắc hướng tới mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”; chia sẻ các tiềm năng, tài nguyên, nguồn lực trong việc phát triển, kết hợp với 02 trục liên kết.
4 vùng liên kết không gian vùng huyện, liên huyện theo hướng tổ chức không gian tỉnh:
- Vùng Trung tâm: Bao gồm thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam, huyện đảo Phú Quý, với hạt nhân phát triển là thành phố Phan Thiết, kết nối với không gian các đô thị vệ tinh như: Ma Lâm, Thuận Nam.
- Vùng Đông Bắc: Bao gồm huyện Bắc Bình, huyện Tuy Phong, hạt nhân là đô thị Phan Rí Cửa - Liên Hương bán kính ảnh hưởng 20 - 30 km, kết nối với các đô thị trong vùng là Chợ Lầu, Lương Sơn, Vĩnh Tân.
- Vùng Tây Nam: Bao gồm thị xã La Gi và huyện Hàm Tân, hạt nhân là Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân, đô thị La Gi, bán kính ảnh hưởng 10 - 30 km, kết nối với các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trong vùng.
- Vùng Tây Bắc: Bao gồm huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh, hạt nhân là đô thị Võ Xu bán kính ảnh hưởng 10 km, kết nối với các đô thị trong vùng như thị trấn Lạc Tánh, thị trấn Đức Tài.
3. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn và các khu chức năng:
a) Phát triển hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn:
Đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 16 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II là thành phố Phan Thiết, 01 đô thị loại III (thành phố La Gi), 03 đô thị loại IV, 11 đô thị loại V.
-Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ có chất lượng tiệm cận với khu vực đô thị. Xây dựng các khu dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
b) Phát triển các khu chức năng
Nghiên cứu hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Bình Thuận nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
Đến năm 2030, đầu tư hoàn thành 10 Khu công nghiệp, 38 cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả. Xem xét mở rộng, phát triển mới 06 khu công nghiệp theo nhu cầu phát triển của Tỉnh khi được cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu xác định bổ sung thành lập mới một số cụm công nghiệp có tiềm năng phát triển của địa phương khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Đẩy mạnh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế.
Thu hút các doanh nghiệp khoa học - công nghệ và một số cơ sở đào tạo có uy tín, thương hiệu về công nghệ ở trong và ngoài nước đầu tư hình thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Tổ hợp đô thị du lịch biển (khu du lịch MICE); hình thành Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
Tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy, kết hợp khai thác phát triển du lịch đối với 02 khu bảo tồn thiên nhiên (Tà Kóu, Núi Ông) và khu bảo tồn biển Hòn Cau.
4. Ưu tiên đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm giao thông:
Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B, quốc lộ 55; xây dựng mới Cảng hàng không Phan Thiết và đường kết nối Cảng hàng không Phan Thiết đến cao tốc, quốc lộ, ga đường sắt và khu vực ven biển ở phía Bắc thành phố Phan Thiết; tuyến đường ven biển từ phía Bắc đến phía Nam tỉnh, trong đó có cầu tại cửa sông Cà Ty và cửa sông Phú Hài.
Ngoài ra, đầu tư các tuyến đường sắt nhẹ đô thị kết nối sân bay với các khu du lịch, trung tâm thành phố Phan Thiết; nâng cấp các cảng biển Vĩnh Tân, cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý; xây mới cảng tổng hợp Sơn Mỹ và một số cảng du thuyền.
Tầm nhìn xa hơn, sẽ xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Liên Khương, tiếp tục nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 28; hình thành Trung tâm logistics sân bay Phan Thiết và Trung tâm Logistics cảng biển tại huyện Tuy Phong.
6 giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch
(1) Huy động, sử dụng vốn đầu tư;
(2) phát triển nguồn nhân lực;
(3) môi trường, khoa học và công nghệ;
(4) cơ chế, chính sách liên kết phát triển;
(5) huy động nguồn lực đất đai;
(6) tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.